Nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào lớp “Thanh nông tri điền”
Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo Khoa học quốc gia với chủ đề “Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam – đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững” đã được Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng ngày 10/11/2015.
Theo các diễn giả, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực từ hội nhập, từ biến đổi khí hậu và những rủi ro từ chính tình trạng làm ăn tự phát nhỏ lẻ manh mún. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng bị cản trở từ chính tình trạng manh mún tự phát và cách làm ăn thiếu tầm nhìn, thiếu công nghệ của nông dân hiện nay.
Là một ngành quan trọng gắn với sinh kế của hơn 70% dân số, và tạo ra những thành tích xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo… nhưng “nông nghiệp đang tăng trưởng chậm lại và chất lượng tăng trưởng cũng đang ở tình trạng quá đáng lo. Trình độ phát triển thấp; quy mô sản xuất nhỏ kéo theo năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng thấp, chất lượng nông sản không đồng đều lại thiếu an toàn và khả năng cạnh tranh còn hạn chế”, GS.TS.Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân nhận định.
Ngư trường xa và tàu cá hiện đại cần có những ngư dân có trình độ |
Trong khi theo TS. Trần Gia Long (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nếu nước biển dâng lên 1m thì tại 9 tỉnh sẽ có 11.475km2 diện tích bị ngập, và GDP cả nước sẽ giảm 10%, sản lượng lương thực giảm 12 % tương đương 5 triệu tấn lúa. Đó là chưa kể các cơn bão với sức tàn phá lớn đã và sẽ xuất hiện nhiều hơn, cùng với những biến đổi khí hậu bất thường.
Ông cũng cho rằng, tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua chủ yếu dựa vào thâm dụng tài nguyên thiên nhiên nên tác động xấu đến môi trường, làm tăng mức độ ô nhiễm và suy yếu nguồn tài nguyên thiên nhiên… gây nguy hiểm cho sinh kế bền vững của người dân và cạn kiệt nguồn lợi.
Làm ăn nhỏ lẻ phân tán, manh mún và tự phát, mải chạy theo số lượng và lợi nhuận ngắn hạn đã khiến người nông dân càng làm nhiều càng lợi ít. Tầm nhìn hạn chế, người nông dân không nhiệt tình tham gia các mối quan hệ liên kết để làm ăn quy mô lớn và cùng tạo nên thương hiệu cho nông sản, thuỷ sản Việt.
Bên cạnh đó, cũng do nhận thức hạn chế nên người nông dân không tuân thủ và áp dụng quy chuẩn nông nghiệp, từ đó gây nên những nghi ngờ và làm mất lòng tin về mức độ an toàn chất lượng của sản phẩm...
Đặc biệt, "người nông dân hiện nay chả hiểu chuỗi giá trị là gì”, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét. Theo bà, để gia nhập chuỗi đòi hỏi người nông dân phải có hiểu biết nhất định và chuỗi đòi hỏi khoa học về tổ chức về quản lý, đòi hỏi áp ụng khoa học công nghệ và kỹ thuật cao với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, người nông dân và vai trò quan trọng của DN.
Trong khi đó, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn rất thấp. Theo ông Lưu Đức Khải - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, số DN thành lập ở nông thôn không những vẫn đang còn quá ít chỉ bằng 1% số DN cả nước. Đã vậy tỷ trọng DN trong ngành nông, lâm, thuỷ sản lại đang giảm đi vì DN đang chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp để có lợi nhuận cao hơn.
Rõ ràng, nếu cứ như vậy, nông thôn Việt Nam và người nông dân Việt Nam không thể tiếp tục trọng trách “là bệ đỡ cho tăng trưởng với nghĩa khi kinh tế suy thoái thì nông nghiệp là động lực chính, khi ở đô thị, DN khó khăn người công nhân đã có quê để về. Đây là áp lực quá lớn và nông nghiệp, nông thôn đang rất yếu", GS.TS.Vũ Trọng Khải - chuyên gia nông nghiệp bày tỏ.
Nhiều những giải pháp đã được nêu ra. Nhưng tựu chung lại vẫn là phải đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp, gia tăng đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, kiểm ngư, cán bộ hợp tác xã, thuyền trưởng tàu đánh cá, chủ trang trại… và giám đốc DN, những người trẻ tuổi tài cao.
Phải có 2 nhân tố quan trọng hàng đầu để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, để vượt qua thách thức khi hội nhập là nông dân lớn và DN lớn. Nông dân lớn là những "thanh nông tri điền" được đào tạo, được chuyên nghiệp hoá đủ kiến thức và năng lực quản lý các trang trại quy mô lớn và các HTX kiểu mới.
Họ sẽ là những nông dân chuyên nghiệp thay thế cho lớp lão nông tri điền làm nông nghiệp theo kinh nghiệm kiểu cha truyền con nối. Họ sẽ liên kết với DN. DN lớn là DN có công nghệ hiện đại tạo ra giá trị gia tăng. Họ sẽ chỉ huy những đội tàu hiện đại làm chủ ngư trường khai thác thuỷ sản…
"Khi "thanh nông tri điền" cùng DN liên kết với nhau mới tạo thành một chuỗi sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao", GS.TS.Vũ Trọng Khải nhấn mạnh.