Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên lớn nhất
Tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng | |
Sự lạc quan trên thị trường ngoại tệ | |
Điều hành CSTT góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý |
Linh hoạt trong hành động
Các chuyên gia khuyến nghị, chính sách tiền tệ (CSTT) trong thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên ổn định nhưng trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và linh hoạt.
Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 nổ ra, NHTW ở hầu hết các nước đều phải triển khai nhiều CSTT phi truyền thống để đối phó với khủng hoảng. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2008-2010, dù không chịu tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính này nhưng những tác động gián tiếp từ bên ngoài vào, cùng với những hạn chế, yếu kém của nội tại đã khiến cho kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn lớn và hệ quả kéo dài sau đó. Thể hiện rõ nhất là lạm phát cao, tăng trưởng chậm lại, mặt bằng lãi suất tăng cao, tỷ giá biến động khó lường, dự trữ ngoại hối (DTNH) giảm mạnh…
NHNN sẽ tiếp tục nỗ lực neo giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp hợp lý |
Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu là phải ổn định được KTVM, kéo lạm phát xuống, đồng thời triển khai tái cơ cấu nền kinh tế. Theo đó, CSTT từ nửa cuối năm 2011 đến nay đã kiên định mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM), ổn định thị trường ngoại tệ và tăng niềm tin vào VND. Trên cơ sở bám sát và khả năng kiểm soát lạm phát, NHNN điều hành giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Hàng loạt các giải pháp điều hành linh hoạt và đồng bộ của NHNN đã giúp đạt được các mục tiêu quan trọng như kiểm soát lạm phát từ mức hai con số xuống mức một con số trong nhiều năm liên tiếp. Mặt bằng lãi suất cho vay đến nay đã giảm hơn một nửa so với thời điểm giữa năm 2011. Thanh khoản của hệ thống TCTD dư thừa, đưa mặt bằng lãi suất liên NH xuống mức thấp kỷ lục. Thị trường ngoại tệ ổn định, tỷ giá biến động phù hợp với mục tiêu điều hành. Lòng tin và vị thế VND ngày càng được củng cố, tình trạng đô la hóa được cải thiện và NHNN đã mua được khối lượng lớn ngoại tệ để tăng DTNH lên mức cao nhất từ trước đến nay lên mức khoảng 46 tỷ USD…
Những thành quả ấy không chỉ được thị trường trong nước ghi nhận mà theo ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, NHNN, các tổ chức xếp hạng quốc tế trong những năm trở lại đây cũng đánh giá ngày càng tích cực về Việt Nam, thể hiện ở việc nâng hạng và triển vọng tín nhiệm quốc gia cũng như của các NHTM. Lạm phát, tỷ giá và tiền đồng ổn định cùng với hàng loạt chính sách cải cách được triển khai cũng đã giúp củng cố niềm tin của các NĐT trong nước và nước ngoài, từ đó gia tăng đầu tư, thể hiện ở việc chỉ số CDS (hoán vị rủi ro tín dụng) liên tục duy trì xu hướng giảm từ năm 2015 đến nay và hiện chỉ xung quanh mức 127 điểm – mức thấp nhất kỷ lục mà chưa bao giờ Việt Nam có được.
Hướng đến khung chính sách dài hạn
Tuy nhiên, sau gần 10 năm với rất nhiều CSTT phi truyền thống đã được các NHTW đưa ra thì trong khoảng một, hai năm trở lại đây, cùng với đà phục hồi ngày càng vững chắc của thị trường và nền kinh tế, xu thế bình thường hóa CSTT của nhiều NHTW trên thế giới cũng bắt đầu diễn ra, đặc biệt là ở các nước phát triển như Mỹ, EU. Vậy tại Việt Nam, khung CSTT những năm tới nên như thế nào để tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu lực và hiệu quả trong tình hình mới?
Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Những thay đổi trong khung CSTT sau khủng hoảng tài chính toàn cầu” do Học viện Ngân hàng phối hợp cùng Vụ Hợp tác quốc tế, NHNN tổ chức ngày 15/12/2017. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, kinh nghiệm từ các nước cho thấy việc điều hành CSTT liên quan mật thiết đến việc điều tiết kỳ vọng thị trường về chính sách cũng như các công cụ chính sách, do đó các nhà hoạch định CSTT cần hướng đến sự minh bạch và rõ ràng trong cơ chế điều hành. Và trong thời gian tới NHNN tiếp tục làm tốt công tác định hướng chính sách, rõ ràng trong mục tiêu điều hành kết hợp với cơ chế truyền thông hiệu quả và bài bản.
Bên cạnh đó, do CSTT có độ trễ và liên quan đến điều tiết kỳ vọng thị trường nên việc thực thi CSTT cần dựa trên quan điểm dài hạn thay vì ngắn hạn. Theo đó, cần quy hoạch CSTT trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và linh hoạt. Quan điểm “dài hạn và linh hoạt” này không chỉ áp dụng trong việc thực thi CSTT mà còn trong việc xây dựng, đổi mới khuôn khổ CSTT (định hình những thay đổi trong việc điều hành CSTT) trong tương lai khi cần thiết cho phù hợp với điều kiện KTVM, thị trường tiền tệ, hoạt động NH.
Các thành phần của tổng cầu thường nhạy cảm hơn với chiều hướng biến động của lãi suất dài hạn, do đó các công cụ CSTT sẽ có hiệu quả khi có tác động đến lãi suất dài hạn. NHNN cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả các kênh truyền dẫn CSTT, cải thiện sự tác động của CSTT đối với lãi suất dài hạn trên cơ sở phát triển đồng bộ và cân bằng thị trường tài chính, tiền tệ, điều hành các công cụ CSTT chủ yếu theo tín hiệu thị trường.
Ngoài ra, việc Fed nói riêng và NHTW các nước phát triển nói chung đã, đang hoặc chuẩn bị bắt đầu chu kỳ thu hẹp CSTT từng bước sẽ có ảnh hưởng thu hẹp đáng kể tới điều kiện tài chính toàn cầu trong thời gian tới. Tuy sự thận trọng như vậy của các NHTW lớn sẽ ít gây ra biến động mạnh trên thị trường nhưng sự thu hẹp điều kiện tài chính nêu trên cùng với việc lãi suất các nước tăng dần dự báo sẽ ít nhiều có tác động tới diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế trong nước. Vì vậy, CSTT cần được điều hành linh hoạt, bám sát các diễn biến thị trường tài chính tiền tệ trong nước và quốc tế để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định KTVM.
Đây cũng là vấn đề được TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ phó Vụ CSTT, NHNN khẳng định tại hội thảo này. Theo đó, ổn định KTVM, ổn định tài chính vẫn là ưu tiên lớn nhất trong điều hành CSTT nói riêng và các chính sách phát triển kinh tế nói chung thời gian tới. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục nỗ lực neo giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp hợp lý, nhằm giảm rủi ro và bất định cho nền kinh tế, đồng thời duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến KTVM và từng bước phấn đấu giảm hơn nữa lãi suất khi có điều kiện thích hợp.