Phải bán vốn tốt hơn
Ai sẽ quản lý vốn nhà nước tại DN? | |
Chủ động, đẩy nhanh tiến độ triển khai sắp xếp, cổ phần hóa DNNN |
CPH đang chững lại… và chờ!
Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó TGĐ SCIC cho biết: theo quyết định của Chính phủ, SCIC đã làm việc với bộ ngành địa phương và thống nhất tổng số DN các bộ ngành phải chuyển giao về cho SCIC là 61 DN. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải chuyển giao DN về SCIC theo đúng quy định và phải làm xong trong quý I/2017. “SCIC mới nhận chuyển giao được 15 DN. Trong cả quý I/2017 chỉ có 4 DN được chuyển giao về SCIC”, ông Hiển cho biết.
Tiến độ CPH và thoái vốn cũng không mấy khả quan |
Tiến độ CPH và thoái vốn cũng không mấy khả quan. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu năm 2017 có 8 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, sang tháng 4 có thêm 1 DN nữa; đã thoái được 3.101 tỷ đồng vốn nhà nước tại DN thu về 14.299 tỷ đồng.
Trong đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm được 35,8 tỷ đồng, thu về 36,3 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở DN khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) được 1.712 tỷ đồng, thu về 2.073 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 16 DN với giá trị là 1.353 tỷ đồng, thu về 12.190 tỷ đồng
Giải thích về chuyện chậm tiến độ CPH và có phần chững lại, ông Đặng Quyết Tiến (Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính) cho biết: “Các đơn vị đang thực hiện xây dựng lộ trình, kế hoạch CPH. Đối tượng CPH, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp.
Những DN lớn này cần tìm được nhà đầu tư lớn có có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt… Vì thế cần có nhiều thời gian chuẩn bị trước khi công bố giá trị DN”.
Bên cạnh đó, một số thành viên Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đã báo cáo với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DNNN rằng: các bộ, ngành và địa phương có tâm lý chờ Chính phủ sửa đổi xong Nghị định số 59 về chuyển DNNN thành công ty cổ phần (liên quan tới việc xử lý vấn đề sở hữu đất đai của DN CPH), và trông chờ việc các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn nhà nước tại DN…
Trước tiến độ CPH và thoái vốn trong cả quý I, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định: “Như vậy còn tới 92% vốn Nhà nước chưa được CPH, đồng nghĩa với việc chưa thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ”.
Ông cũng nhắc nhở: mục tiêu sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN năm 2017 và cho tới năm 2020 là tạo bước chuyển mạnh mẽ, thực chất hơn, trong đó CPH chỉ là 1 giải pháp mà cuối cùng là thu hẹp phạm vi hoạt động DNNN ở các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, các lĩnh vực tư nhân không muốn đầu tư và không có khả năng đầu tư. Những DN mà Nhà nước giữ lại thì phải đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sao cho “ra tấm ra món”.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải khẩn trương tiếp nhận và xử lý kế hoạch tái cơ cấu DNNN mà các đơn vị trình lên.
Đối với các DNNN cần sắp xếp, CPH trong giai đoạn hiện nay có giá trị thị trường rất lớn, Phó Thủ tướng cho rằng: “Không cần CPH thật nhiều nhưng phải bảo đảm vốn Nhà nước phải được bán, thoái tốt hơn và nâng cao năng lực quản trị của DN”.
Xác định rõ trách nhiệm trong CPH
Trả lời câu hỏi, sẽ thúc đẩy tiến độ CPH, thoái vốn thế nào, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ Tài chính đã có báo cáo về tiến độ CPH, sắp xếp DNNN. Bộ đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 59.
Riêng đối với vấn đề đất đai khi CPH, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quy định theo hướng quy định bắt buộc các DN thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng; lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thành phê duyệt trước thời điểm quyết định CPH.
Phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất DN CPH đang quản lý, sử dụng phải đảm bảo đúng với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương; phù hợp với chiến lược phát triển DN; thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013.
Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ công khai danh sách các DN phải thực hiện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC; Đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn tại Habeco, Sabeco theo chỉ đạo từ năm 2016; Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm quyết định phương án bán tiếp số cổ phần của SCIC còn lại tại Vinamilk.
Ngày 26/4/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký văn bản yêu cầu các bộ, UBND cấp tỉnh, hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác sắp xếp, CPH DNNN, triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đúng hạn các nhiệm vụ được giao. Các cơ quan, đơn vị chưa trình phương án sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn lực thu được từ CPH và bán vốn nhà nước; đẩy nhanh việc thoái vốn tại những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, bảo đảm công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật nhằm tối đa hóa lợi ích Nhà nước, thay đổi quản trị, nâng cao hiệu quả DN, góp phần vào tăng trưởng GDP và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Xác định trách nhiệm trong CPH DNNN, xử lý nghiêm người đứng đầu DN, người đại diện vốn nhà nước tại DN cố tình sai phạm, thực hiện kém, không hiệu quả công tác này, kể cả hoạt động điều hành, quản trị DN hiện nay”.