Ai sẽ quản lý vốn nhà nước tại DN?
Toàn cảnh Hội thảo |
Hai mô hình, một mục tiêu
Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại DN đang trong quá trình hoàn thiện, cân nhắc lựa chọn một số mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN.
Hiện đang có hai mô hình được đề xuất lựa chọn. Mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quản lý Nhà nước – đó là Ủy ban quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và mô hình cơ quan chuyên trách là DN - thành lập một DNNN làm nhiệm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Mỗi mô hình đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, vậy nên chọn mô hình nào – đây là vấn đề được bàn đến tại Hội thảo với chủ đề “Mô hình quản lý vốn Nhà nước tại DN trong tiến trình tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam” do Thời báo Tài chính Việt Nam, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội tổ chức sáng 27/4/2017.
“Việc lựa chọn mô hình nào cũng cần phải phù hợp với thực tiễn quản lý của Việt Nam và phù hợp với quy mô, tiến trình cải cách DNNN. Mô hình mới phải đáp ứng được yêu cầu quản lý vốn Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý...”, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – Trưởng Ban Tổ chức hội thảo đã nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Trung - Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: Mục tiêu đặt ra cho việc lựa chọn mô hình quản lý vốn Nhà nước nhằm để: Thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN và chức năng quản lý nhà nước, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN một cách tập trung, thống nhất thay vì phân tán ở nhiều cơ quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước, cải thiện chất lượng quản trị DNNN; Thúc đẩy và hỗ trợ các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước tập trung chuyên môn, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các DN nói chung và DNNN nói riêng.
Theo ông Trung, cơ quan quản lý vốn Nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, hạn chế tối đa can thiệp hành chính vào DN; phải tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước; Sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản Nhà nước tại các DN...
Phân tách giữa “CHÍNH và DOANH”
Khi xem xét lựa chọn mô hình quản lý DNNN, ông Trung cho rằng, mục tiêu hàng đầu phải là phân tách giữa “chính và doanh”, tức là phân tách quản lý hành chính Nhà nước và quản lý DN, phân tách giữa chính trị và kinh doanh, nhất là đối với các DNNN hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.
Kinh nghiệm của gần 40 quốc gia trên thế giới cho thấy mô hình quản lý vốn Nhà nước tại DN tập trung tại một công ty là mô hình có nhiều ưu thế, đang được nhiều nước áp dụng thành công.
Từng là người lãnh đạo cơ quan quản lý DNNN với chức vụ Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại DN, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính DN – Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Soạn, cho rằng, phương án thành lập Ủy ban mới cần phải được tham khảo kỹ ý kiến DN bởi “DN muốn là sự thay đổi bên trong, thay đổi về chất”. Ông đề xuất, phương án nâng cấp SCIC theo mô hình DN sẽ là khả thi nhất, vì mô hình này không tạo ra sự xáo trộn nào.
Nâng cấp SCIC sẽ được thực hiện theo lộ trình 2 bước. Bước 1: củng cố và phát triển SCIC. Chuyển dần các tổng công ty, tập đoàn 100% vốn Nhà nước sang hoạt động theo mô hình chung của SCIC. Có thể sáp nhập một số Tổng công ty, Tập đoàn nhỏ lẻ. Cho phép một số địa phương lớn như TP.HCM, Hà Nội được thành lập các SCIC riêng... Thời gian để thực hiện bước 1 không quá 2 năm.
Bước 2, trên cơ sở đã tạo lập được những tiền đề để tiếp tục xây dựng mô hình mới, trong đó có việc xác lập được tổng số và quy mô DNNN còn lại sau cổ phần hóa, sáp nhập một số SCIC lại, có thể chỉ để tồn tại một vài SCIC (thậm chí là 1 nếu có thể) và lựa chọn 1 trong 3 phương án trực thuộc: Trực thuộc Chính phủ; Trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay; Đa dạng hóa trực thuộc (Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ ngành và địa phương)...
Ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài chính DN (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, mô hình DN (công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước) là phù hợ với thông lệ thị trường và đã được nhiều nước áp dụng.
Theo ông Tiến, mô hình ủy ban sẽ không khả thi vì rất khó minh bạch giữa quản lý Nhà nước với quản trị DN, làm giảm hiệu quả hoạt động của DN, không thúc đẩy công khai, minh bạch trong điều hành sản xuất kinh doanh của DN, lại có cơ hội cho lợi ích nhóm, lãng phí, tham nhũng và tiêu cực trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại DN.
Trên quan điểm cá nhân, TS. Đinh Văn Nhã – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội phân tích 3 phương án: giữ nguyên hiện trạng; thành lập cơ quan chuyên trách; cơ quan chuyên trách là DN.
Với mô hình thành lập cơ quan chuyên trách, đây có thể là thành lập một ủy ban với 2 phương án: “Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ”, do Chính phủ thành lập, quản lý danh mục khoảng 30 tập đoàn kinh tế, trong đó, bao gồm SCIC là đầu mối độc lập để quản lý và thoái vốn tại các công ty cổ phần mà Nhà nước không cần nắm giữ; hoặc “Nâng cấp SCIC thành Uỷ ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN” để quản lý DN 100% vốn Nhà nước và DN có vốn đầu tư Nhà nước.
Cá nhân ông Đinh Văn Nhã chọn phương án 3: “Mô hình cơ quan chuyên trách là DN” bởi theo ông phương án này tác động tiêu cực thấp hơn và tác động tích cực cao hơn 2 phương án kia. Phương án này vừa khắc phục các bất cập do chức năng chủ sở hữu đồng thời là chức năng quản lý Nhà nước vừa nhất quán với quy định pháp luật hiện hành (bãi bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ).