Phải luật hóa để thúc đẩy thoái vốn
Không thay đổi cách làm, cổ phần hóa còn chậm | |
Đã có thêm 37 DN được phê duyệt phương án CPH | |
Đại biểu Trần Du Lịch: Nên trích từ nguồn CPH DNNN để xử lý nợ xấu |
Trong 7 tháng đầu 2016 đã có 58 DNNN được cổ phần hóa (CPH) với tổng giá trị thu về cho Nhà nước đạt trên 5.200 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trên thực tế không ít tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã được CPH, nhưng lượng vốn bán ra trên thị trường không nhiều. Hầu hết các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) lớn nhất ở Việt Nam vẫn chủ yếu diễn ra tại khu vực DN tư nhân.
Mới chỉ mua bán “lòng vòng”
Quan sát thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2011 – 2015 vừa qua, với những cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động CPH các DNNN được quy định tại Nghị định 59/2011, Nghị định 189/2013 và Nghị định 116/2015, việc thoái vốn Nhà nước tại một số tập đoàn, tổng công ty đã được thúc đẩy khá mạnh.
Trong vòng 5 năm đã có 478 DN lên phương án, lộ trình CPH. Một số tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn ở các lĩnh vực kinh doanh khá hiệu quả như: hàng không, dệt may, ngân hàng… cũng đã được tiến hành bán đấu giá cổ phần, thu hút được lượng khá lớn nhà đầu tư tham gia IPO (bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước).
SCIC vẫn không muốn “buông” vốn tại các DNNN có nhiều lợi nhuận |
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ có thể thấy rằng trong giai đoạn vừa qua, ngoại trừ một số trường hợp cá biệt như VietnamAirlines bán thành công một phần vốn cho đối tác Nhật (ANA Holdings); Dược Hậu Giang bán được trên 24,4% cổ phần cho Tập đoàn Taisho (cũng của Nhật Bản); Café Biên Hòa bán được một phần vốn cho Masan… thì hầu hết các vụ IPO DNNN đều mới chỉ diễn ra “lòng vòng” trong nội bộ của các DNNN.
Chẳng hạn Viettel mua 70% cổ phần của Vinaconex; Tổng công ty Khoan và Dịch vụ dầu khí (PVD) mua lại 49% của chính công ty con của mình là PDI; Xi măng Hà Tiên 1 được sáp nhập với Hà Tiên 2 mà không có nhà đầu tư bên ngoài tham gia mua cổ phần. Thậm chí ở những DN có lợi nhuận “béo bở” như Vinamilk, Sabeco, FPT… Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) còn không muốn buông phần vốn của mình khi vừa công bố chào bán đã vội đăng ký mua vào 500-600 ngàn cổ phiếu từ các DN này.
Ban hành luật hay tiếp tục nghị định?
Để thúc đẩy quá trình CPH DNNN, mới đây trong dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Bộ KH&ĐT đã đề nghị ban hành Luật thúc đẩy CPH DNNN.
Bộ này cho rằng, nếu không có luật thúc đẩy CPH thì tiến độ thoái vốn của các DNNN vẫn sẽ diễn ra chậm chạp bởi hiện nay, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2015 sửa đổi một số điều khoản của Nghị định 59/2011 về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành CTCP nhưng về cơ bản vẫn chưa tạo được pháp lý thống nhất, hợp lý để các DNNN tiến hành thoái vốn.
Chẳng hạn, hiện nay theo những quy định tại Quyết định 14/2011 của Thủ tướng Chính phủ, thì các DN là thành viên quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa bắt buộc phải thoái vốn. Vì vậy thực chất việc CPH chỉ diễn ra ở các DNNN độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương và các công ty con, trực thuộc các tập đoàn. Vì vậy tỷ lệ vốn bán ra là rất nhỏ. Và sau khi CPH thực chất phần vốn Nhà nước vẫn chiếm 70-80%. Điều này khiến cho các nhà đầu tư không mặn mà với CPH.
Tuy nhiên, việc hình thành luật thúc đẩy CPH sẽ còn một chặng đường dài. Các chuyên gia phân tích nhận định rằng, nếu muốn hoàn thiện được luật này, trước hết cần phải có những sửa đổi mạnh mẽ về nhận thức vai trò của DNNN.
Theo đó, các chính sách ưu đãi cho DNNN cần được bãi bỏ như các chế độ cho vay, cấp tín dụng theo chỉ đạo. Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng không được ban hành các quyết định “khoanh nợ, giãn nợ” cho DN, không nhận việc trả nợ, xử lý nợ thay cho DNNN. Nhà nước cũng không được trực tiếp sử dụng DNNN trở thành công cụ quản lý trong điều tiết nền kinh tế vĩ mô…
Trong ngắn hạn, khi chưa thể tính đến phương án tạo luật thúc đẩy CPH, Bộ Tài chính hiện lại đang dự thảo một Nghị định mới về việc CPH DNNN để thay thế Nghị định 59/2011.
Tuy nhiên, hầu hết những điểm mới của dự thảo Nghị định này mới chỉ nhắm đến việc rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành như: Luật DN 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước... chứ chưa có những đột phá về xử lý tài chính khi CPH; xác định giá trị DNNN; bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH… vốn là những nút thắt lớn mà giai đoạn vừa qua hoạt động thoái vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đã gặp phải.
Nhà đầu tư kỳ vọng tham gia cổ phần hóa giảm 17 % Theo số liệu của WB, hiện tổng tài sản của DNNN ở Việt Nam là 5.408,4 triệu tỷ đồng, cao gấp hơn 1,2 lần GDP nhưng hiệu quả đầu tư như tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư luôn thấp hơn 2 lần so với khu vực tư nhân. Trong các năm 2013 – 2015, tốc độ CPH tại Việt Nam có tăng lên, nhưng số DN có từ 50% vốn Nhà nước trở lên hầu như giảm không đáng kể. CPH DNNN không làm giảm sự can dự của Nhà nước vào nền kinh tế vì quan hệ thân hữu giữa DN với quan chức Nhà nước vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả khi DN đã được CPH. Một khảo sát được hãng Grant Thornton, thực hiện đầu năm 2016 cho thấy, hiện nay trên thị trường M&A tại Việt Nam, các nhà đầu tư có xu hướng chững lại với kỳ vọng mua vốn từ các DNNN. Trong số hơn 100 nhà đầu tư được khảo sát thì chỉ có 29% cho rằng, CPH DNNN là một nguồn cung giao dịch hấp dẫn. Tỷ lệ này giảm 17% so với lần khảo sát gần nhất trước đó được thực hiện vào cuối năm 2014. |