Không thay đổi cách làm, cổ phần hóa còn chậm
Đã có thêm 37 DN được phê duyệt phương án CPH | |
Thu hút nhà đầu tư chiến lược: Cần tạo nền tảng để có lãi ngay khi CPH | |
Tổng công ty 36 và lộ trình CPH: Tiên phong để phát triển |
TS. Nguyễn Đình Cung |
Trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 39 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH); thoái vốn được 2.086 tỷ đồng, thu về 4.168 tỷ đồng...
Tuy nhiên khi trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tỏ ra phân vân: “Khi không rõ mục tiêu thoái vốn nhà nước để làm gì thì khó nói là đã làm nhanh hay chậm”.
Tại sao lại khó phân biệt tiến độ nhanh hay chậm, dù con số kết quả và tỷ lệ so với kế hoạch đặt ra đều có thể xác định, thưa ông?
Nếu nhìn vào tiến độ và số lượng thì tái cơ cấu DNNN đạt được những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2011-2015 đã sắp xếp được 558 DN, trong đó CPH được 478 DN (đạt 93% kế hoạch), sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN. Nhưng nếu nhìn về mục tiêu CPH để phân bổ lại nguồn lực của kinh tế nhà nước nói riêng, của nền kinh tế nói chung, thu hút nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thay đổi cơ chế quản trị DN, thu hút đầu tư tư nhân… thì chưa đạt được.
Trong giai đoạn 2011-2015 đã sắp xếp được 558 DN, trong đó CPH được 478 DN (đạt 93% kế hoạch) |
Một số DN CPH về thực chất chỉ là chuyển đổi hình thức từ DNNN sang CTCP. Bởi vì, tỷ lệ bán cổ phần ra cho tư nhân chỉ rất nhỏ; hoặc không có các nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh; hoặc các đối tác mua cổ phần lại là những DNNN, tức là xét riêng là các DN cổ phần nhưng xét chung trong hệ thống sở hữu chéo nhau giữa các DN này thì cả nhóm lại là DNNN. Cho nên, tuy CPH được 93% kế hoạch nhưng các chuyên gia cho rằng CPH DNNN tiến hành chậm.
Về mục tiêu thu tiền về thì cũng chưa đạt, vì tính lũy kế từ năm 2012 đến tháng 10/2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng vốn, thu về 22.870 tỷ đồng (bao gồm cả thoái vốn đầu tư ngoài ngành), chỉ tương đương 2% tổng giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN trong cùng thời kỳ. Nhưng như thế thì lại đảm bảo được nhiệm vụ bảo toàn vốn nhà nước, không làm mất vốn nhà nước…
Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan vừa họp về phương án thoái vốn nhà nước tại 10 DN lớn, vốn đã bị chậm trễ so với kế hoạch đề ra trước đây. Theo ông, có nên kéo dài sự chậm trễ này?
Như tôi đã nói, phải xác định rõ mục tiêu cho từng nhiệm vụ, cho từng DN là “thúc” CPH, thoái vốn để được gì? Nếu chưa biết thoái vốn lấy tiền làm gì thì cứ để yên đấy đã. CPH, thoái vốn nhà nước là để cơ cấu lại đầu tư nhà nước. Nếu cần tiền để xây trường học, làm cầu cho dân thì bán đi, lúc này số tiền thu về không lớn. Ngược lại, nếu nhà nước muốn hưởng lợi nhuận cao, thì cứ để cổ phần ở đó. Nhưng bán như thế không thể nói là làm mất vốn nhà nước được, vì nó mang lại giá trị rất lớn khác cho xã hội. Việc làm này chính là đã tối đa hóa được giá trị tài sản của nhà nước.
Hay nếu rút vốn về cho vào ngân sách chi tiêu thường xuyên thì có lẽ đáp ứng nhu cầu trước mắt, nhưng sẽ mất đi khả năng đầu tư phát triển dài hạn mà vốn của DNNN thì không phải là tìm lợi nhuận bỏ vào ngân sách để chi tiêu. Còn ở mục tiêu khác, với những DN cần nâng cao quản trị, tìm nhà đầu tư chiến lược mới, thì lúc này tìm được nhà đầu tư thích hợp phải bán luôn…
Chúng ta đang thiếu mục tiêu của chính sách chủ sở hữu. Mấy tháng trước đây có câu chuyện “đòi” thu cổ tức từ mấy ngân hàng, còn ngân hàng thì muốn giữ lại. Có chuyện này vì chủ sở hữu không xác định rõ mục tiêu. Nếu muốn lấy lợi nhuận về để chi tiêu thì “đòi” là đúng. Nhưng nếu xác định mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, lâu dài hơn thì để lại tại ngân hàng là đúng. Ở đây, không có mục tiêu nên không có căn cứ để nói nên hay không nên làm, đúng hay không.
Nếu không xác định được CPH, thoái vốn là nhanh hay chậm, vậy có xác định được hiệu quả, chất lượng thực hiện?
Về thực chất thì CPH, thoái vốn chưa mang lại sự thay đổi như mong muốn. Nhìn về số lượng và tiến độ, tốc độ CPH có tăng lên, nhưng số DN có từ 50% vốn nhà nước trở lên hầu như không giảm đáng kể. CPH không làm giảm sự can dự của nhà nước vào nền kinh tế. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại DN tiếp tục phân tán, trách nhiệm giải trình rất thấp và công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chưa được chú trọng đúng mức.
Việc đổi mới, phát triển DN tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ tốt cũng chưa đạt được. Nếu coi khung quản trị OECD áp dụng cho các DNNN là quản trị hiện đại, theo thông lệ tốt, thì quản trị thực tế áp dụng đối với các tổng công ty, tập đoàn kinh tế ở nước ta còn rất khác và có chênh lệch lớn so với khung quản trị nói trên.
Cụ thể là, khung quản trị của OECD có 30 nguyên tắc được khuyến cáo áp dụng, thì quản trị hiện nay tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa áp dụng đại bộ phận các nguyên tắc đó, chỉ mới áp dụng ở mức độ rất thấp một số ít nguyên tắc còn lại.
Việc thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích, bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các DN thuộc các thành phần kinh tế khác... chưa có kết quả rõ nét.
Tóm lại là CPH, thoái vốn nhà nước tại DN nên đẩy nhanh, hay chậm dãi và cẩn trọng, theo ông?
CPH phải nhanh lên, thoái vốn phải dứt khoát. Chính phủ là đại diện chủ sở hữu của nhà nước, của toàn dân đã quyết thì không có bàn nguyên nhân gì hết, buộc phải làm. Nhưng nhanh và dứt khoát khi phải có mục tiêu rõ ràng. Khi đã xác định rõ thì phải quyết để làm. Ví dụ Chính phủ sẽ quyết luôn bán đi 5% hay 7% vốn, chứ không phải là bán tùy ý. Hay như nếu cần phải tìm nhà đầu tư chiến lược thì tìm được là quyết bán luôn, như đã làm ở ngành hàng không, ở ngành ngân hàng… Lúc này, kể cả phải dùng mệnh lệnh hành chính, và không làm thì phải chịu trách nhiệm rõ ràng.
Hiện nay, mục tiêu không rõ thì cũng không quy được trách nhiệm cho ai nếu có sự cố tình lần lữa. Cũng vì mục tiêu không rõ, một số người không dám quyết, không dám thoái vốn, sợ bị làm sai. Nhưng thực tế cũng cho thấy, khi CPH, thoái vốn là các bộ thường mất đi quyền với DN, nên không muốn CPH, làm chậm quá trình CPH; hoặc tích cực CPH những DN không mang lại cho họ mấy lợi ích. Sự lần lữa ở Sabeco, Habeco là điển hình. Cho nên, không thay đổi cách làm thì CPH còn tiếp tục chậm nữa.
Xin cảm ơn ông!