Pháp lý cởi mở cho tài chính vi mô
Mức cho vay tối đa đối với khách hàng tài chính vi mô là 50 triệu đồng | |
Cần cơ chế khuyến khích phát triển tài chính vi mô | |
Người nghèo sẽ được tiếp cận ngân hàng di động |
Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 20/2017 quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô (TCVM). Quyết định này cho phép các chương trình, dự án TCVM được phép huy động và cho vay vốn rộng rãi. Do vậy, đây là văn bản pháp lý được thị trường TCVM hết sức kỳ vọng.
Giảm gánh nặng tín dụng chính sách
Theo những thống kê của ADB, đến thời điểm đầu năm 2016, hoạt động cung cấp TCVM tại Việt Nam phụ thuộc chủ yếu (98% tổng dư nợ) vào các kênh chính thức, bao gồm: NHCSXH, Agribank và NHHTX. Hiện nay, trên địa bàn cả nước mặc dù có sự tham gia của khoảng 50 chương trình, dự án TCVM bán chính thức lớn và khoảng 250 chương trình, dự án TCVM bán chính thức nhỏ, nhưng mới chỉ có 3 chương trình, dự án được chuyển đổi thành tổ chức TCVM để tham gia vào các hoạt động cho vay. Do vậy, mỗi năm các tổ chức TCVM bán chính thức mới chỉ cho vay được khoảng 200 triệu USD, chiếm khoảng 2% tổng dư nợ.
Quyết định cho phép các chương trình, dự án TCVM được phép huy động và cho vay vốn rộng rãi |
Thực tế trên cho thấy, việc Chính phủ ban hành khung pháp lý cho phép các chương trình, dự án TCVM được phép huy động và cho vay vốn rộng rãi sẽ là cơ hội rất lớn để các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức phi chính phủ đẩy mạnh tham gia vào hoạt động cho vay vốn đối với người nghèo tại các địa phương. Bởi hiện nay, đa số các dự án, chương trình TCVM sử dụng nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ. Nguồn vốn này thường không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người dân. Bên cạnh đó, nguồn vốn tài trợ từ bên ngoài cũng đang bắt đầu có sự hạn chế do Việt Nam dần chuyển sang nền kinh tế có thu nhập trung bình.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc LienVietPostBank, khi mở ra cơ chế cho phép các chương trình, dự án TCVM được huy động và cho vay vốn sẽ góp phần tích cực vào việc giảm tải áp lực ngân sách. Bởi hiện nay việc huy động vốn từ người dân của các tổ chức TCVM chính thức như NHCSXH mới chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu cho vay. Nguồn vốn đầu vào chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, khi mở ra cơ chế cho phép các chương trình, dự án TCVM được huy động tiết kiệm tự nguyện từ công chúng thì khả năng loại trừ dần mảng tín dụng phi chính thức sẽ chuyển biến tốt hơn, bởi lãi suất vay vốn từ các nguồn TCVM phi chính thức (phường, hụi…) thường cao hơn khoảng 10-25% so với các tổ chức TCVM bán chính thức.
Cần những hướng dẫn cụ thể
Mặc dù Quyết định 20 vừa chính thức được ban hành và sẽ sớm có hiệu lực vào đầu tháng 8/2017, tuy nhiên một số chuyên gia nhận định rằng để chủ trương cởi mở hoạt động TCVM có thể triển khai được trên thực tế thì các bộ, ngành cần nhanh chóng có những hướng dẫn chi tiết và cụ thể.
Theo đó, nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Ngân hàng (NHNN) cho rằng, theo Điều 15 của Quyết định 20, các chương trình, dự án TCVM bắt buộc phải chuyển đổi thành tổ chức TCVM khi tổng tài sản đạt mức từ 75 tỷ đồng trở lên là không cần thiết. Bởi nếu các tổ chức này không thực hiện huy động tiết kiệm tự nguyện, mà chỉ hoạt động dựa vào huy động tiết kiệm bắt buộc, nguồn viện trợ và vốn chủ sở hữu thì việc chuyển đổi thành tổ chức TCVM sẽ gây tốn kém và làm bộ máy trở nên cồng kềnh, không hiệu quả.
Trong khi đó, ở các nội dung liên quan đến quyền lợi của khách hàng, nhóm nghiên cứu cho rằng, vấn đề lãi suất cho vay của các chương trình, dự án TCVM cần được làm rõ. Theo đó, NHNN cần được giao quyền ban hành thông tư hướng dẫn về chính sách lãi suất cho các chương trình, dự án TCVM. Bởi thực tế, hiện nay các tổ chức TCVM, chương trình, dự án TCVM hầu hết đều đang áp dụng chính sách lãi suất khác với quy định của NHNN. Trong khi đó, Khoản 2, Điều 13 của Quyết định, chỉ quy định chung chung là: “lãi suất cho vay phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện cụ thể của chương trình, dự án” là tương đối lỏng lẻo và khó kiểm soát.
Bên cạnh những kiến nghị ở trên, nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam (thuộc Trung tâm Nguồn các Tổ chức Phi chính phủ – VUFO) cho rằng, việc quy định NHNN phải tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm đối với hoạt động của các chương trình, dự án TCVM như Điều 12 của Quyết định là rất khó thực hiện, vì Cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN sẽ khó có thể thanh tra tại chỗ đối với các đơn vị này. Do vậy, trong các văn bản hướng dẫn nên xây dựng các quy định bắt buộc các chương trình, dự án TCVM phải đăng ký và cung cấp báo cáo tài chính cũng như các tài liệu bổ sung theo yêu cầu của NHNN.
Cho vay tối đa 50 triệu đồng/khách hàng Theo Quyết định 20, các chương trình, dự án TCVM được phép huy động vốn dưới 3 hình thức: tiếp nhận vốn tài trợ, viện trợ của chính phủ, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nhận tiền gửi tiết kiệm bắt buộc và tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô (với điều kiện tổng mức tiền gửi tiết kiệm tự nguyện không vượt quá 30% tổng vốn được cấp của chương trình, dự án); vay TCTD, tổ chức tài chính trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Về hoạt động cho vay, các chương trình, dự án TCVM được phép cho vay tối đa không quá 50 triệu đồng/khách hàng. Hợp đồng vay do khách hàng và chương trình, dự án tự thỏa thuận và lập bằng văn bản; mức lãi suất cho vay được thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện cụ thể của chương trình, dự án, bù đắp đủ chi phí hoạt động, tăng trưởng và không vì mục tiêu lợi nhuận. |