Phát huy tiềm năng và thế mạnh về logistics
Chi phí vận chuyển “đè” nông sản | |
Giảm chi phí logistics để cải thiện chuỗi giá trị hàng hóa | |
Giảm chi phí logistics từ đâu? |
Theo thông tin từ Bộ Công Thương và Hiệp hội logistics Việt Nam, tổng giá trị của thị trường logistics Việt Nam tương đương từ 21-25% GDP quốc gia, nhưng thực tế, ngành logistics chỉ đóng góp rất ít, khoảng 2-3% vào GDP. Có ý kiến cho rằng, logistics Việt Nam khó phát triển khi đang thiếu một chiến lược bài bản.
Ảnh minh họa |
Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng cách 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.
Đáng quan ngại là không chỉ quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết, một số DN còn cạnh tranh thiếu lành mạnh, hạ giá dịch vụ để giành được hợp đồng, chủ yếu là hạ giá thuê container khiến các DN trong nước bị thiệt, còn các DN nước ngoài là những người chủ tàu đóng lại được hưởng lợi…
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhận định, nguyên nhân chính khiến các DN logistics Việt Nam khó cạnh tranh được với các đồng nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, chính là do hạn chế về quy mô và nguồn vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực.
Song, nguyên nhân quan trọng khác khiến các DN logistics Việt Nam gặp khó là không có đầu mối nguồn hàng, do DN xuất nhập khẩu Việt Nam chủ yếu xuất FOB và nhập CIF (khoảng 91%). Ngoài ra, còn hạn chế về kết cấu hạ tầng và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt.
Ngay tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vừa diễn ra, những vướng mắc liên quan đến hoạt động logistics làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia cũng đã được đặt lên bàn nghị sự. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho biết, chi phí logistics ở các nước chỉ trong khoảng từ 7-15% GDP, trong khi đó ở Việt Nam, chi phí logistics ở mức rất cao, từ 21-25% GDP. Đây là yếu tố trực tiếp cản trở tốc độ phát triển của nền kinh tế nước ta, vì thế việc tập trung nâng cao hiệu quả dịch vụ và giảm chi phí logistics có ý nghĩa to lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông Bình cho rằng, logistics hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm ở nước ta. Và chúng ta chưa phát huy đúng những tiềm năng và lợi thế mạnh sẵn có chứ không phải quá khó khăn, không làm được.
Một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần xem logistics là một ngành kinh tế dịch vụ mũi nhọn, trọng điểm để quản lý tập trung, có thể thành lập một Ủy ban Quốc gia về logistics như một số các quốc gia khác đã làm. Việc giao cho một bộ chuyên ngành như Bộ Giao thông - Vận tải trước đây hay Bộ Công Thương hiện nay quản lý đều gặp những hạn chế vì logistics là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh đang đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và nông nghiệp thông minh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quan niệm logistics là bài toán vĩ mô, không phải nhiệm vụ riêng của từng địa phương. Thực tế cho thấy, vì thiếu điều hành ở cấp vĩ mô của Chính phủ nên các hoạt động logistics trở nên cục bộ không hiệu quả, ví dụ như trong khi cảng nước sâu Cái Mép của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ khai thác được 19% công suất vì thiếu chân hàng, thì cảng Cát Lái của TP. Hồ Chí Minh không phải cảng nước sâu, nằm sâu trong nội địa lại luôn quá tải.
Được biết, hoạt động logistics hiện nay đang liên quan đến ít nhất là 7 bộ, trong đó có Bộ Giao thông - Vận tải, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học Công nghệ, Nội vụ… Nhưng vai trò quản lý nhà nước của logistics còn rất hạn chế, nhất là về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ; thể chế chính sách không đầy đủ, không đồng bộ, còn chồng chéo... Vì vậy để thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, cần có sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu Chính phủ.