Chi phí vận chuyển “đè” nông sản
Giảm chi phí logistics để cải thiện chuỗi giá trị hàng hóa | |
Giảm chi phí logistics từ đâu? | |
Logistics tạo đà cho xuất khẩu |
Đoàn Ngọc Phương (sinh viên, 21 tuổi) bước vội qua dãy hàng thịt, cá phía cổng chợ đầu mối phía Nam - Đền Lừ (Hà Nội), cô rẽ vào dãy bán rau, mua một chiếc bắp cải giá 13 nghìn đồng/kg. Món bắp cải, cà chua luộc dầm nước mắm cô ăn đã mấy hôm nay, vì đang mùa nên rẻ.
Nhưng, cái chính là cô xót cho khoản tiền bố mới gửi lên khá eo hẹp. Gia đình cô ở Hải Dương cũng mới thu hoạch bắp cải trắng vụ Đông, chỉ bán được 4 nghìn đồng/kg. “Em ăn để lỡ đâu giúp giá lên…”, Phương nói trong nghẹn ngào.
Ảnh minh họa |
Phía góc trái chợ đầu mối phía Nam, nhiều xe bắp cải cũng đang chất trắng xuống tận dưới mặt đất. Chủ một xe rau cho biết do đang vào mùa nên nguồn cung nhiều, giá xuống. Không giống như các loại rau xanh khác, thời tiết lạnh giá có thể lên giá, riêng bắp cải càng lạnh càng đẹp cây, nhưng giá không cao lên được. “Giá nhập có thể xuống chút ít, nhưng giá bán sẽ khó xuống vì chi phí đi đường độ gần Tết này ngày càng nhiều”, chủ xe rau cho biết thêm.
Chi phí vận tải thực tế là một vấn đề đáng quan ngại đối với sản xuất nông sản hiện nay. Báo cáo mới công bố về “Thị trường Logistics Việt Nam 2017” cho biết chi phí logistics trên GDP ở Việt Nam là 20,9%. Cụ thể hơn với ngành rau quả Việt Nam, khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết chi phí logistics chiếm đến 29,5%, tức khoảng 1/3 giá trị.
Trong khi đó, tỷ lệ chi phí logistics trên GDP ở Trung Quốc chỉ là 15,4%, Thái Lan thậm chí có 10,7%. Hay ở bình diện rộng hơn, trung bình khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 13,5%; châu Âu và Bắc Mỹ là thấp nhất, chỉ có 9,2% và 8,6%, trong khi mức trung bình thế giới là 11,7%.
Nhưng không chỉ có chi phí cao mà thời gian vận chuyển hàng hóa của Việt Nam cũng chậm hơn, do các vấn đề về hạ tầng không đồng bộ. Và với việc rau bắp cải đưa từ ruộng đến bàn ăn có giá cao gấp 3 lần như trên, chi phí lưu thông đang đặt ra nhiều vấn đề: bất ổn định về giá cả khi có vấn đề trong khâu lưu thông; ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung và đời sống người thu nhập thấp; và quan trọng hơn là giảm sức cạnh tranh của nông sản.
Các DN Việt Nam có rất ít cơ hội để nâng giá trị gia tăng ngành rau quả thông qua chế biến. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước chỉ có khoảng 145 DN tham gia chế biến rau củ quả. Thị trường xuất khẩu sản phẩm rau củ chế biến cũng gần như “đóng cửa” cơ hội đối DN Việt Nam. Với khoảng 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu rau củ quả mỗi năm, tỷ lệ hàng chế biến hiện chỉ chiếm chừng 8% số đó.
Trên thực tế, logistics được đánh giá đang là ngành có cơ hội phát triển mạnh ở Việt Nam, khi độ mở nền kinh tế ngày càng cao. Đến thời điểm này, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2017 đã vượt 400 tỷ USD. Tuy nhiên, để lại hệ quả cho xã hội, cho nền kinh tế như vậy, chi phí logistics rất cần được xem xét cho phù hợp, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Đó là các vấn đề về sự đồng bộ hạ tầng, năng lực vận chuyển. Đó cũng bao gồm các chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính. Đó có thể còn là chi phí bôi trơn trên đường đi, từ cảng lên kệ, hay ở hướng ngược lại là từ ruộng ra tàu… Khiến cho hàng hóa thông thương dễ dàng và thuận tiện hơn, với chi phí hợp lý, đó sẽ là bệ đỡ cho các hoạt động kinh tế nói chung, mang ý nghĩa của một động lực phát triển.
Còn về mặt xã hội, khi những chi phí “dọc đường” đang đè nặng lên nông sản đó nhẹ gánh hơn, thì rất có thể gia đình Đoàn Ngọc Phương sẽ bán được bắp cải giá cao, chu cấp tốt hơn cho con ăn học. Và Phương chắc cũng đỡ xót xa khi ăn mãi món bắp cải, cà chua luộc dầm nước mắm…