Phát triển năng lượng: Áp lực huy động vốn
Cổ phiếu ngành điện hấp dẫn | |
Thêm 2 doanh nghiệp ngành điện sắp niêm yết trên sàn UPCoM | |
Năng lượng tái tạo là tương lai ngành điện Việt Nam |
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Nhu cầu tăng cao trong bối cảnh các ràng buộc môi trường ngày càng chặt chẽ đã gây áp lực rất lớn cho việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. “Từ một nước xuất khẩu năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng lưu ý điều này tại “Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Hiện tại và Tương lai” diễn ra sáng 4/5 tại Hà Nội.
Trên thực tế, nhu cầu năng lượng nước ta thời gian qua tăng rất nhanh, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, với mức tăng trưởng khoảng 9,5%/năm và được dự báo tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới. Tính theo tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, năm 2015 con số này vào khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trong khi theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam, để đảm bảo đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì sản lượng đến năm 2020 sẽ vào khoảng 100 - 110 triệu TOE; đến năm 2030 vào khoảng 310 - 320 triệu TOE.
Đảm bảo an ninh năng lượng đang đứng trước nhiều thách thức |
Trong tổng thể nhu cầu về năng lượng nói trên, chỉ tính riêng về tiêu thụ điện, tốc độ tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010, khoảng 11%/năm trong 5 năm gần đây và dự kiến trong thời gian tới sẽ tăng trên dưới 10%/năm. Để đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2016-2030, Việt Nam cần đầu tư khoảng 148 tỷ USD cho phát triển nguồn và lưới điện, không tính các nguồn điện BOT. Tuy nhiên, việc huy động được nguồn vốn này không đơn giản…
Trong khi đó, theo tính toán của cơ quan chuyên môn, ngay cả lo đủ nguồn vốn thực hiện đúng theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh), cũng như Kế hoạch năng lượng tái tạo đến năm 2020, thì vẫn thiếu trên 1.500MW vào năm 2020.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, để giải quyết vấn đề năng lượng của đất nước, Bộ đang tập trung vào việc xây dựng cơ chế chính sách theo 2 hướng tiếp cận: sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm hiệu quả; và áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường để sản xuất năng lượng (hướng tới nền kinh tế các bon thấp, tập trung vào năng lượng xanh, thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng bền vững). “Mặc dù vậy, nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng trong những năm sắp tới”, ông Vượng cho hay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế không đồng quan điểm rằng sự đa dạng hóa nguồn phát điện, hay hướng tới phát triển năng lượng “xanh” là giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng. PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn chỉ ra, cách tiếp cận về năng lượng ở Việt Nam đang có vấn đề.
“Tôi cho rằng một trong những “vất vả” của Việt Nam là ra sức làm việc để thỏa mãn nhu cầu. Cách làm này sẽ dẫn đến năng lượng luôn thiếu hụt, vì cứ mải miết đuổi theo nhu cầu thì nguồn cung càng thiếu”, ông Thiên nói và cho biết, mặc dù nền kinh tế thị trường vẫn phấn đấu cho giá năng lượng, giá điện thực sự thị trường, nhưng nhiều năm qua, giá năng lượng vẫn chưa thể theo giá thị trường.
Chính hạn chế này, theo ông Thiên, đã làm cho quan thệ cung - cầu trở nên méo mó. Giá điện thấp kích thích tiêu thụ điện, nhưng không kích thích sản xuất điện. Chính vì vậy, ông cho rằng giá điện phải làm sao khuyến khích được cả tiêu dùng và sản xuất, không thể cứ theo một chiều như hiện nay.
“Đứng trên góc độ năng lượng, điều này đang tạo ra áp lực rất lớn về nguồn cung. Tại sao chúng ta chưa thể nâng được giá điện lên mức cạnh tranh khi cứ để giá điện phi thị trường quá lâu. Hơn 30 năm nay, giá điện vẫn không thể tạo được cạnh tranh tốt. Phải chăng có một điểm tắc nghẽn về cơ chế?”, ông Thiên đặt câu hỏi mở.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải còn chỉ ra bài học của rất nhiều quốc gia trên thế giới là việc đầu tư phát triển các nguồn năng lượng không chỉ đến từ ngân sách quốc gia. Ông cho rằng, nếu chúng ta triển khai các cơ chế chính sách một cách đầy đủ, đúng đắn, thì thị trường năng lượng phát triển một cách đồng bộ. Khi đó, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, không chỉ trong nước mà cả từ quốc tế, để cùng nhau giải quyết bài toán phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng.
“Để giải quyết nguồn đầu tư, chúng ta phải phát triển thị trường năng lượng. Để huy động được nguồn vốn đầu tư cho ngành điện, chúng ta phải có chiến lược phát triển một cách rõ ràng, phù hợp…”, ông Hải nhấn mạnh.