Phát triển nông nghiệp sạch không dễ
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp | |
Thúc đẩy kinh tế hộ không ngừng phát triển |
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT), nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại. Tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm PBHC được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 713 sản phẩm, chiếm 5% so với tổng số sản phẩm phân bón (14.318 sản phẩm), còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ và 1,3% là phân bón sinh học.
Nông nghiệp sạch phải gắn với phát triển phân bón hữu cơ |
Số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong nước thuộc loại phân bón vô cơ đã gấp hơn 19 lần số lượng sản phẩm PBHC, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV nhấn mạnh.
Hiện nay cả nước có 180 DN đã được cấp giấy phép sản xuất PBHC, chiếm 24,5% so với tổng số giấy phép sản xuất mà Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã cấp (735 giấy phép). Tổng công suất của các cơ sở sản xuất PBHC là 2,5 triệu tấn/năm, chiếm 8,5% so với tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong nước (29,5 triệu tấn/năm) và bằng gần 1/10 so với công suất sản xuất phân bón vô cơ 26,7 triệu tấn/năm).
Do sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nên khối lượng PBHC nhập khẩu (NK) trong 3 năm gần đây đều đã tăng đáng kể. Cụ thể, khối lượng NK năm 2017 là khoảng 220 nghìn tấn, tăng gấp đôi so với năm 2016 (xấp xỉ 102 nghìn tấn).
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Trung chia sẻ, hệ thống tiêu chuẩn về phân bón nói chung và PBHC nói riêng đã được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, tuy nhiên vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một số tiêu chuẩn, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến vi sinh vật chưa được rà soát, cập nhật, sửa đổi cho phù hợp với thực tế và sự phát triển của khoa học công nghệ sản xuất, sử dụng PBHC. Về quy chuẩn, đến nay, chưa có quy chuẩn kỹ thuật nào trong lĩnh vực phân bón được xây dựng.
Là DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực phân bón hữu cơ, ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm cho biết, chính việc không có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dẫn tới cơ quan nào, người tiêu dùng nào cũng có quyền gây “khó dễ” cho DN.
Ông Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, hiệu lực trực tiếp của PBHC thấp làm cho người dân chưa quan tâm đến sử dụng PBHC. Trong khi đó, các DN cũng chưa quan tâm đến sản xuất PBHC do rủi ro về nguồn nguyên liệu, thị trường và nếu làm ăn chân chính thì lợi nhuận sẽ rất thấp.
Trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, ngành nông nghiệp hướng đến phấn đấu tiến nhanh hơn trong việc tạo ra nông sản sạch, chất lượng cao và hội nhập thành công với chuỗi phân phối nông sản toàn cầu. Để làm được điều này có rất nhiều nhóm giải pháp, trong đó có vấn đề sử dụng PBHC sẽ là một trong những giải pháp rất quan trọng đối với sản phẩm cây trồng do đảm bảo hiệu quả trên nhiều mặt, nhiều phương diện.
Ông Phạm Anh Cường – Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên hữu cơ khá giàu và phong phú, các DN có thể làm chủ công nghệ sản xuất để sản xuất ra lượng PBHC hàng hóa đủ lớn và chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề còn lại cần giải quyết là cải tiến lại cơ chế quản lý phân bón (khâu sản xuất – thương mại) bằng các văn bản pháp lý rõ ràng, tăng mức xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm để có tính dăn đe, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các DN tham gia sản xuất kinh doanh PBHC.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, hiện Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 108/2017/NĐ-CP quản lý nhà nước về phân bón (NĐ 108) đưa về một mối quản lý. Trong Nghị định này có nội dung rất quan trọng là ưu tiên phát triển sử dụng sản phẩm PBHC, cùng với đó là một loạt cơ chế, chính sách, các văn bản pháp luật khác. Đây là khung khổ pháp luật sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nhanh hướng sản xuất sử dụng PBHC.
Bộ NN&PTNT cũng đã đặt ra mục tiêu trong năm 2018 này sẽ cơ bản hoàn thiện bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về PBHC. Đồng thời, đề nghị chính phủ có quy chế hỗ trợ vốn, xây dựng thương hiệu, ưu đãi trong giao và thuê đất cũng như miễn giảm thuế cho các DN tham gia sản xuất PBHC thì sẽ thúc đẩy nhanh việc sử dụng PBHC trong thời gian tới.