Quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi
Tạo môi trường đầu tư để kinh tế tư nhân phát triển | |
Nỗi niềm doanh nghiệp | |
Chật vật vào chuỗi liên kết |
Chỉ còn một nửa số DN đang hoạt động
Chỉ còn một nửa số DN đang hoạt động – đó là thông tin từ Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015 do VCCI công bố ngày 13/4.
Theo báo cáo, giai đoạn 2007-2015, đã có gần 692 nghìn DN đăng ký thành lập, nâng tổng số DN đã đăng ký thành lập lên khoảng 941 nghìn DN, nhưng thực tế chỉ còn gần 513 nghìn DN (chiếm 54,5%) còn hoạt động. 45,5% số DN (khoảng 428 nghìn DN) đã ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Con số DN giải thể, ngừng hoạt động đó cho thấy rủi ro trong môi trường kinh doanh của chúng ta |
Đáng chú ý là sau những tăng trưởng mạnh trong hai năm 2009-2010, số lượng DN đăng ký thành lập đã có xu hướng giảm đi, bình quân mỗi năm khoảng 70 nghìn DN thành lập. Nhưng số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể từ năm 2011 ngày càng có xu hướng tăng lên, thậm chí còn tăng cao trong năm 2015. Trên 80 nghìn DN, trong đó có 9467 DN hoàn thành thủ tục giải thể và 71391 DN gặp khó khăn phải ngừng hoạt động.
Không chỉ số DN tồn tại được ít, mà quy mô của từng DN cũng đang có xu hướng nhỏ đi khi nhìn vào số lượng lao động và nguồn vốn. Mặc dù trong giai đoạn 2007 – 2015, tổng nguồn vốn của các DN trong nền kinh tế đã tăng gần 5 lần so với năm 2007, nhưng số lao động bình quân trong DN đã giảm từ 49 lao động (ở năm 2007) xuống còn 29 lao động ở năm 2015, tương đương với quy mô của một DN nhỏ.
“Tỷ trọng DN nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng và nguy cơ Việt Nam thiếu các DN cỡ trung bình đã trở thành hiện hữu”, báo cáo viết.
Cũng theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng vốn của DN cao hơn tốc độ tăng trưởng của lao động cho thấy, DN đang phát triển dựa nhiều hơn vào tăng trưởng nguồn vốn chứ không dựa nhiều vào tăng trưởng lao động. Liệu có thể xem đây là một nghịch lý khi mà Việt Nam luôn tự coi là có lợi thế về nguồn lao động, nhưng sự phát triển của nền kinh tế thời gian qua không tập trung khai thác lợi thế này, mà chủ yếu dựa vào tăng trưởng về nguồn vốn.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, quy mô DN càng ngày càng nhỏ đi là dấu hiệu đáng báo động. Bởi nó chứng tỏ năng lực về tài chính, sản xuất… của các DN còn nhiều hạn chế và chưa có khả năng lớn lên được. Theo chuyên gia này, xét cho cùng thì vấn đề nằm ở thể chế, bởi “thể chế nào sẽ sinh ra DN ấy”. Một thể chế được cải cách tốt, hỗ trợ cho DN sáng tạo và xây dựng được chiến lược hoạt động trong dài hạn sẽ giúp bớt đi những chuyện nhũng nhiễu trong kinh doanh.
Hiệu quả sử dụng vốn giảm sút
Nợ nhiều nhưng hiệu quả sử dụng nguồn vốn của DN ra sao? Theo báo cáo này, giai đoạn 2007-2014 chứng kiến việc các DN hoạt động dựa nhiều vào các khoản nợ (nợ nhà cung cấp, các khoản vay tài chính…). Chỉ số nợ của các DN luôn lớn hơn giá trị kỳ vọng chuẩn. Chỉ số nợ tỷ lệ thuận với quy mô DN.
Trong đó, các DN vừa và lớn có chỉ số này cao nhất, khoảng 3,4-3,5 lần năm 2014. Điều này cho thấy cơ cấu nguồn vốn của các DN này phụ thuộc nhiều vào các khoản nợ. Trong khi đó, chỉ số này ở các DN siêu nhỏ và nhỏ lần lượt là 1,7 lần và 2,4 lần năm 2014.
Dựa nhiều vào nợ nhưng vòng quay vốn của các DN lại chậm lại trong giai đoạn này. Chỉ số vòng quay vốn của DN có chiều hướng giảm khá mạnh từ mức 2 lần năm 2007 xuống chỉ còn 1,4 lần năm 2014. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng nguồn vốn của DN ngày càng giảm đi. Nó cũng phù hợp với thực tế năng lực sinh lời của DN giảm sút.
Đơn cử, hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) chung của các DN đã giảm từ mức 6,6% năm 2012 xuống chỉ còn 3,6% trong năm 2014. Riêng ROA của các DNNN chỉ đạt 6,4% năm 2014, thấp hơn đáng kể mức 7,5% năm 2010. Trong khi đó, các DN ngoài nhà nước ghi nhận ROA ở mức 3,3% năm 2014, từ mức 6,4% năm 2012. Năm 2014, ROA của các DN nhỏ chỉ đạt 3,2%, nghĩa là DN phải bỏ ra 100 đồng tài sản mà chỉ thu được về 3,2 đồng lợi nhuận.
Cũng có thể nhìn thấy mối liên kết đáng quan ngại trong hiệu quả hoạt động của các DN khi nhìn vào tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ trong giai đoạn này. Các phân tích của báo cáo cho thấy, tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ giai đoạn 2007-2010 đã giảm so với giai đoạn 2000-2006, xuống còn dưới 30%. Tuy nhiên lại ghi nhận sự tăng cao trở lại trong giai đoạn 2011-2014. Riêng năm 2014, tỷ lệ này lên tới 45,4%.
Đáng chú ý là nếu nhìn lại diễn biến kinh tế thì các năm 2013 -2014 nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên xu hướng thua lỗ trong kinh doanh vẫn tăng lên. Chính kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2014 là một trong những nguyên nhân khiến số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh ghi nhận con số 9.467 DN và số lượng DN gặp khó khăn buộc phải tạm dừng hoạt động trong năm 2015 lên tới 71.391 DN, tăng 22,4% so với cùng kỳ 2014.
“Con số DN giải thể, ngừng hoạt động đó cho thấy rủi ro trong môi trường kinh doanh của chúng ta. Tất cả điều này đòi hỏi chúng ta phải sát cánh bên nhau. Bộ máy của chúng ta phải thay đổi, phải năng động hơn và phải sát cánh với DN để giúp DN. Tôi hy vọng vào lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay trong bài phát biểu đầu tiên là sẽ đẩy mạnh cải cách về thể chế, sớm gặp DN để có các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh” – TS. Doanh kỳ vọng.