Tạo môi trường đầu tư để kinh tế tư nhân phát triển
Cơ hội cho DN tư nhân tham gia mua sắm công | |
Nhượng quyền đường sắt hút vốn tư nhân | |
Tư nhân kéo vốn ngoại về nông thôn |
Động lực phát triển mới
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân trong nước bao gồm DN tư nhân và các hộ kinh doanh, khối DN này hiện đang có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển sức sản xuất, phát huy nội lực góp phần tăng thu ngân sách và tham gia có hiệu quả trong việc tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên trong số 500 nghìn DN tư nhân, có 96% là các DN quy mô nhỏ và vừa. Vốn bình quân của một DN chỉ bằng 19% vốn của một DN FDI, bằng 1,5% mức vốn bình quân của DN nhà nước, tổng tài sản cố định và đầu tư dài hạn chỉ chiếm khoảng 40% tổng tài sản của toàn bộ khối DN.
“Chính vì quy mô nhỏ và vừa, nên DN tư nhân gặp nhiều khó khăn về công nghệ, thiếu vốn, trình độ quản lý và trình độ nhân lực chưa cao, việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất, khả năng tích lũy đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh tạo ra những sản phẩm mũi nhọn, đặc thù cũng như khả năng vươn ra thị trường thế giới còn có nhiều hạn chế”, bà Hường nói.
Song, điều khiến cộng đồng DN Việt Nam tỏ ra vui mừng khi trong Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, vai trò của khối DN tư nhân đã được xác định rõ ràng. Theo đó, kinh tế tư nhân được xem là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Nhà nước cần hoàn thiện thể chế kinh tế, khung pháp lý để DN sáng tạo |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xác định rõ vai trò của kinh tế tư nhân trong văn kiện đã thể hiện sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về những đóng góp có ý nghĩa của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tư duy này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của các DN tư nhân trong thời gian tới, nhất là trong 5 năm tới khi nước ta hội nhập ngày càng sâu, rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Phải tạo điều kiện tốt nhất cho thương nhân
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để có một cộng đồng DN mạnh, có năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện có thêm việc làm cho người lao động và đóng góp có ý nghĩa hơn trong ngân sách của Nhà nước, bà Hường cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế, hoàn thiện khung pháp lý với những đổi mới tư duy mạnh mẽ. Theo đó, khi xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến kinh tế thì doanh nhân cần được đặt vào trung tâm và cần tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Thực tế, vừa qua, sự ra đời của Luật Đầu tư, Luật DN (sửa đổi) đã mang lại một luồng không khí mới cho khối DN tư nhân. Vì có những thay đổi rất tích cực. Nhờ có hành lang pháp lý tốt nên số lượng DN được thành lập mới trong năm 2015 cũng như 3 tháng đầu năm 2016 đã tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ thiết bị khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho DN tư nhân. Trong phân bổ ngân sách Nhà nước hàng năm, Quốc hội đều dành 2% tổng chi ngân sách Nhà nước cho hoạt động đổi mới công nghệ.
Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ đổi mới công nghệ chỉ đạt 10,68% so với kế hoạch là 13%. Do đó trong giai đoạn 5 năm tới, cần sử dụng nguồn quỹ này hiệu quả hơn nữa để có thể hỗ trợ trực tiếp và thiết thực cho các DN, nhằm giúp DN có thể tăng năng suất lao động thông qua việc đổi mới công nghệ và thiết bị.
Ngoài ra, Nhà nước cần triển khai các hoạt động hỗ trợ giúp các DN trang bị những kiến thức quản trị và đào tạo hội nhập. Cần có một chương trình tuyên truyền để từng DN, từng ngành hàng có thể hiểu rõ được lợi ích cũng như rào cản của từng hiệp định thương mại, nhằm giúp cho khối DN dễ tiếp cận thị trường, tiếp cận nhanh hơn và tự tin hơn trong cuộc cạnh tranh.
Song, điều quan trọng hơn, Chính phủ cần xây dựng một chương trình phát triển đội ngũ doanh nhân cụ thể và có chính sách ủng hộ thiết thực cho các hoạt động khởi nghiệp của thanh niên. Cũng như nhiều ý kiến đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, cần phải có được số lượng 1 triệu, 2 triệu, thậm chí nhiều hơn nữa các DN trong tương lai để nâng tầm DN, nâng cao năng lực và tính tự chủ cho nền kinh tế Việt Nam.
Giải bài toán này, cần giúp sức cho các DN trong nước nói chung và khối DN tư nhân nói riêng, những đối tượng được xem là yếu thế trong cuộc chơi không cân sức, thiết nghĩ cần phải có sự vào cuộc, nhanh chóng của các cơ quan hữu quan. Đồng thời sớm trình và thông qua dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): Nhà nước cần thêm nhiều chính sách để phát huy tối đa tiềm năng của lực lượng kinh tế tư nhân. Nhà nước chỉ nên nắm giữ những dự án, công trình mà tư nhân không làm được hoặc thuộc những lĩnh vực như an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền đất nước. Còn lại, nên minh bạch, công khai để thu hút các DN, nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án để thu hút, huy động các nguồn lực ngoài xã hội cho phát triển.
Cùng quan điểm, đại biểu Nhân nhấn mạnh thêm: cần là thành lập một hội đồng phát triển DN cấp quốc gia do một Phó thủ tướng đứng đầu phụ trách với sự tham gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội DN Việt Nam chuyên xử lý những vấn đề liên quan về DN và môi trường đầu tư kinh doanh. “Hãy kiến tạo một môi trường kinh doanh thật sự thuận lợi, lành mạnh và an toàn cho DN nói chung và DN tư nhân nói riêng một cách thực chất. Chỉ có như vậy, mục tiêu dân giàu, nước mạnh mới có cơ sở sớm trở thành hiện thực”, ông Nhân nhấn mạnh.