Rào cản hàng nội vào siêu thị
Hàng Việt trong tim người Việt | |
Hàng nội lép vế ở thị trường nội | |
Phát triển nhờ bám rễ nội địa |
Các nhà phân phối “cầm cương”
Mới đây, 3 nhà sản xuất, cung cấp các mặt hàng nông thủy sản đã qua chế biến là CTCP thực phẩm Cholimex, CTCP Đại Thuận và Công ty TNHH Thương mại Hải Lộc cho biết, đầu tháng 8/2016 đã ký được hợp đồng cung cấp các mặt hàng thực phẩm, thủy sản với siêu thị Big C.
Tuy nhiên, thay vì hồ hởi ký được đơn hàng với nhà phân phối bán lẻ lớn trên thị trường, thì các DN này lại không phấn khởi vì mức chiết khấu mà Big C đưa ra lên đến 20%, thay vì mức 15 - 18% như tại những siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại trong nước.
Rau sạch chưa chắc đã có chỗ đứng trong siêu thị |
Trước đó, Phó giám đốc một DN sản xuất rau sạch (Đà Lạt) cũng cho biết, dù rất muốn chào hàng và giới thiệu rộng rãi sản phẩm rau trồng theo phương pháp thủy canh, hoàn toàn sạch đến với người tiêu dùng tại các thành phố lớn thông qua hệ thống siêu thị. Nhưng kế hoạch này của DN đã bị phá sản khi mức chiết khấu lên đến 25% đối với nhà cung cấp mới, chưa nói đến một số công đoạn kiểm tra, “bôi trơn” này nọ.
Vì vậy, cuối cùng DN đành phải tìm cách tự phân phối, giới thiệu sản phẩm thông qua một số cửa hàng rau sạch nhỏ lẻ trong khu dân cư. Dù lượng rau được bán ra chậm, cũng như số lượng người tiêu dùng biết đến không cao nhưng sau khi làm bài toán, so sánh thì vẫn hiệu quả hơn nhiều khi đưa hàng vào siêu thị. Đây là cách mà các nhà sản xuất, bán hàng nhỏ lẻ đang lựa chọn.
Thực tế, trên thị trường có một số nhà sản xuất thực phẩm hàng hóa, đồ tiêu dùng, gia dụng như Vissan, TH True Milk, Ba Huân, nón bảo hiểm Asia... đã đầu tư không ít tiền bạc để mở ra những chuỗi cửa hàng bán lẻ, giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Song, không phải DN nào cũng đủ khả năng và tiềm lực tài chính để làm việc này.
Hơn nữa, trong xu thế mới hiện nay thì việc mua sắm, tiêu dùng thông qua kênh siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại vẫn là lựa chọn hàng đầu. Theo một nghiên cứu của công ty Nielsen, trong thời gian ngắn trở lại đây, 34% người tiêu dùng Việt Nam đã mua hàng hóa, các vật dụng cần thiết, trong đó bao gồm cả đồ dùng gia đình, học tập và thực phẩm thường xuyên hơn tại các siêu thị.
Chính vì vậy, các đại gia trong lĩnh vực phân phối bán lẻ như Big C, Co.op Mart, Lotte Mart... đã không bỏ qua cơ hội này để ra giá đối với các nhà sản xuất ở nhiều lĩnh vực khác nhau khi DN muốn gia tăng sự hiện diện các sản phẩm của mình tại hệ thống siêu thị.
Khó khăn vẫn đè nặng lên các nhà sản xuất
Chia sẻ về khó khăn khi đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị, đại diện một nhãn hàng khăn giấy tại TP. HCM cho biết thêm, ngoài mức chiết khấu cao, DN còn phải chật vật đủ đường để đưa được hàng lên quầy kệ như đóng phí nhà cung cấp, phí mã hàng mới, hay bán hàng theo hình thức gối đầu, trả chậm, dây dưa công nợ, thậm chí còn phải “lót tay” để hàng hóa được sắp xếp, bố trí thuận tiện, dễ thấy.
Đó là chưa kể, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước còn phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều sản phẩm nhập ngoại, cũng như sản phẩm mang nhãn hàng riêng của chính siêu thị đó. Trong cuộc cạnh tranh này, sản phẩm của các DN nội, nhà sản xuất nhỏ bao giờ cũng chịu lép vế hơn so với hàng hóa “con đẻ” của siêu thị và hàng ngoại nhập, từ hình thức cho đến giá bán vì đã phải đội thêm rất nhiều chi phí.
Chính những lý do trên đã khiến cho không ít sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam khó có thể chen chân vào các siêu thị, thậm chí không ít DN sau khi có mặt một thời gian cũng phải xin rút lui vì chịu không nổi mức phí gia tăng hàng năm. Bàn về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh cho rằng, vẫn biết theo quy luật kinh tế thị trường, với mức giá đưa ra nếu chấp nhận được thì hai bên sẽ đi đến bắt tay thống nhất.
Tuy nhiên, cách hành xử theo lối độc quyền, đưa ra mức giá, chiết khấu quá cao so với thực tế khi biết rằng đối tác cần và phải phụ thuộc vào mình là thiếu công bằng. Nhất là trong bối cảnh nền sản xuất, DN trong nước còn nhỏ bé, cần có động lực để phát triển thì với cách làm ăn theo kiểu “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh”, việc các DN nhỏ bị chèn ép vẫn khó tránh khỏi, và còn là câu chuyện dài.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhìn ra những điểm sáng, mà chuyện Tập đoàn Vingroup xây dựng chính sách chiết khấu thương mại với ưu đãi mạnh mẽ cho các DNNVV Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống bán lẻ của tập đoàn là một ví dụ. Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, việc Vingroup cam kết phân phối các sản phẩm sạch, an toàn với mức giá bằng đúng giá bán của nhà cung cấp trong vòng 1 năm là một cứu cánh cho các DN vào thời điểm hiện tại.
Hy vọng trong một tương lai gần sẽ có những “Mạnh thường quân” vào cuộc, cũng như các cơ quan quản lý cũng có những chính sách thích hợp, sát thực tiễn để giải quyết vấn đề này.