Rủi ro từ cây tiêu
Sàn giao dịch hồ tiêu gian nan vượt khó | |
Vốn ngân hàng hỗ trợ cây tiêu phát triển |
Niên vụ 2016-2017, gia đình anh Cao Quyết Thắng, ở huyện Chư Sê (Gia Lai) có trên 1.000 trụ tiêu đang trong giai đoạn khai thác. Màu xanh của vườn tiêu mượt mà cho thấy cây phát triển tốt, nhưng sản lượng được dự báo bị sụt giảm so với các năm trước.
Theo anh Thắng, những năm trước, vườn tiêu của gia đình thu hoạch bình quân mỗi trụ được 6-8kg, nhưng niên vụ này chỉ đạt được khoảng 4kg/trụ. Mặc dù được chăm sóc kỹ, vườn tiêu phát triển tốt, không bị ảnh hưởng của bệnh chết nhanh, chết chậm nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh mất mùa, khi sản lượng giảm trên 30%. Nguyên nhân là do năm nay thời tiết không thuận lợi dẫn đến năng suất kém hơn năm trước nhiều.
Nhiều diện tích tiêu hiện đã già cỗi, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu… |
Trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Tám cũng không ngoại lệ, với trên 3.000 trụ tiêu đang khai thác nhưng có đến gần 1.000 trụ sản lượng giảm đến trên 60% do ảnh hưởng của bệnh chết nhanh, chết chậm. Ông Tám cho hay, với 3.000 trụ tiêu này, bình thường có thể thu hoạch trên 15 tấn hồ tiêu khô, nhưng năm nay chỉ còn khoảng 10 tấn…
Dù giá tiêu hiện tại trên thị trường tăng mạnh, tăng hơn 25 ngàn đồng/kg so với năm trước nhưng niên vụ 2016-2017, gia đình ông Tám thất thu khoảng trên 1 tỷ đồng do tác động của sụt giảm sản lượng.
Theo anh Thắng, thời gian qua, rất nhiều hộ dân ở địa phương đã đầu tư trồng tiêu bằng mọi giá. Chính vì sự bất chấp thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu dẫn đến nhiều diện tích tiêu trồng không phù hợp nên chết, thiệt hại lớn.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây giá tiêu luôn ở mức cao, xoay quanh mốc trên dưới 200 ngàn đồng/kg. Do đó, nhiều nông hộ ở Tây Nguyên mở rộng diện tích trồng hồ tiêu bằng mọi giá. Đơn cử tại Gia Lai, có gần 3.000ha trồng tiêu, trong đó có hơn 2.000ha diện tích đang cho thu hoạch, sản lượng thu hoạch hàng năm trên 8.000 tấn hồ tiêu. Huyện Chư Sê được mệnh danh “thủ phủ” hồ tiêu của cả nước.
Trước sự hấp dẫn về giá hồ tiêu tăng liên tục, nhiều nông dân vùng Tây Nguyên ồ ạt trồng và mở rộng diện tích; bất chấp sự khuyến cáo của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, dẫn đến diện tích hồ tiêu lâm vào tình trạng bị phá vỡ quy hoạch.
Chỉ tính riêng tại Gia Lai, trong năm 2016, nông dân trồng mới gần 1.000ha hồ tiêu, đưa con số tổng diện tích hồ tiêu của địa phương này lên khoảng14.000ha. Một con số vượt gấp nhiều lần so với 6.000ha theo quy hoạch định hướng cây hồ tiêu phát triển của Gia Lai đến năm 2015-2020.
Tuy nhiên điều này cũng dẫn đến nhiều rủi ro, nhiều vùng đất không thích hợp với cây tiêu dẫn đến việc chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ dân.
Ngành chức năng địa phương dự báo, niên vụ hồ tiêu 2016-2017, diện tích trồng thì có tăng lên nhưng sản lượng thu hoạch không đạt được con số 8.000 tấn như những niên vụ trước. Nguyên nhân được các chuyên gia xác định là do thời tiết không thuận lợi, nên nhiều vườn tiêu của người dân dù không bị ảnh hưởng của bệnh dịch nhưng năng suất kém nhiều so với những năm trước.
Đi một vòng quanh các địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn tại Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông… thấy các vườn tiêu đều không được tươi tốt, xum xuê như trước. Nhiều vườn tiêu, nông dân vẫn chăm sóc bình thường, nhưng cây lại úa vàng, rụng lá, đậu quả không đạt yêu cầu… Theo nhiều người có kinh nghiệm trồng tiêu lâu năm, do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê (Gia Lai), niên vụ này, năng suất tiêu bình quân chỉ đạt khoảng 3,5 - 4 tấn/ha, giảm hơn 30% so với niên vụ trước. Có nhiều lý do dẫn đến điều này, trong đó, nguyên nhân chính là do thời tiết. Mùa mưa năm 2016 đến sớm làm cho các vườn tiêu kéo dài thời gian phân hóa mầm hoa. Mặt khác, mưa kéo dài liên tục trong thời kỳ cây tiêu đang ra hoa làm cho tỷ lệ lên hoa thụ phấn thấp.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho hay, niên vụ 2016-2017 được dự đoán là mất mùa nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ở Gia Lai cũng như toàn vùng Tây Nguyên. Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy giá tiêu khô tăng cao trong thời gian qua. Bên cạnh yếu tố thời tiết tiêu cực, còn nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tình trạng sụt giảm năng suất và sản lượng là do nhiều diện tích tiêu hiện đã già cỗi, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tại địa phương có khoảng 13.104ha hồ tiêu, trong đó có 10.065ha tiêu trong giai đoạn kinh doanh, và năng suất hồ tiêu niên vụ này sẽ giảm khoảng 30% so với niên vụ trước.
Thời điểm này, giá cả hồ tiêu tại Tây Nguyên đang có xu hướng tăng cao, khoảng 175- 200 ngàn đồng/kg, và người trồng vẫn có lãi. Đây được xem là tín hiệu vui đối với người trồng tiêu. Song do ảnh hưởng của tình hình thời tiết không thuận lợi, sẽ tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh tế của cây tiêu, tác động trực tiếp đến người trồng, gây khó khăn về vốn để tái đầu tư.
Và như vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của cả nước trong năm 2017.