Không khó lựa chọn cổ phiếu ngân hàng
Cổ phiếu ngân hàng tăng do đâu? | |
Cổ phiếu ngân hàng: “Điểm đến” hấp dẫn | |
Chọn cổ phiếu ngân hàng nào? |
Kết quả kinh doanh quý I/2017 của các ngân hàng dường như cho thấy sự phục hồi khá rõ của hệ thống ngân hàng. Điển hình như Vietcombank báo lãi sau thuế tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, VietinBank lãi sau thuế tăng 6%... Các ngân hàng nhỏ hơn cũng thông báo các kết quả lợi nhuận khả quan. Có vẻ, cơ hội kinh doanh đang mở ra cho ngành Ngân hàng khi nền kinh tế tiếp tục đà hấp thụ vốn khá tốt; tăng trưởng tín dụng trong quý I đầu năm nay lên hơn 4% và là mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm gần đây.
Vậy liệu các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có nên đặt vào dòng cổ phiếu ngân hàng trong năm nay? Giới đầu tư chứng khoán đặt vấn đề là còn tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh, khả năng tăng trưởng tín dụng và nhất là năng lực quản lý điều hành, quản lý rủi ro của ban lãnh đạo từng ngân hàng. Một số ngân hàng hiện vẫn đang ở mức giá hấp dẫn cũng có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia.
Giới đầu tư trên sàn chứng khoán rất quan tâm đến chiến lược kinh doanh từng ngân hàng |
Điển hình như MB, theo Công ty chứng khoán BSC, MB là một trong những ngân hàng chứng kiến mức độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong hệ thống (2016 là 24%). Bên cạnh mảng thu nhập từ lãi tín dụng, MB còn có dư địa để cải thiện mảng phí dịch vụ khi mới chỉ chiếm 19% trong tổng thu nhập. Ngoài ra, ROE của MB năm 2016 là 12,15% - tức thuộc diện top đầu trong hệ thống ngân hàng và còn có thể cải thiện thêm. MB có lẽ phù hợp với các nhà đầu tư ưa thích sự tăng trưởng ổn định và lâu dài.
Còn nếu thích khẩu vị rủi ro hơn thì VPBank có thể là lựa chọn phù hợp, khi lợi nhuận trước thuế quý I/2017 của ngân hàng này tăng đến 86%. Theo số liệu của FE Credit (một công ty thành viên của VPBank), thị phần mảng tài chính tiêu dùng của FE Credit vào 2016 đạt thị phần khoảng 70% với dư nợ khoảng 30.000 tỷ đồng.
Thị trường Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà phát triển tín dụng tiêu dùng, với dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới. Hiện Việt Nam có khoảng 18 triệu người trưởng thành sinh sống ở đô thị (chiếm gần 20% tổng dân số) là nguồn khách hàng tiềm năng sử dụng các dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các tổ chức tài chính. Con số này được dự kiến tiếp tục tăng theo quy mô đô thị hóa ở Việt Nam.
Trong cuộc chạy đua cạnh tranh với VPBank, khá nhiều các ngân hàng khác đã chuyển đổi một phần chiến lược, thâu tóm các công ty tài chính và phân bổ nhiều hơn lượng vốn cho phân khúc tín dụng tiêu dùng. Nhưng để thành công trong lĩnh vực này không hề đơn giản, các ngân hàng sẽ cần phải có hệ thống quản lý rủi ro hiệu quả bởi dù sao tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những phân khúc cho vay rủi ro nhất hiện nay.
Còn nếu nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao hơn nữa thì các ngân hàng đang trong tầm ngắm M&A có thể là một lựa chọn phù hợp.
Hiện các ngân hàng vẫn đang cần một lượng vốn lớn để bổ sung nguồn vốn cấp 1. Một mặt để đảm bảo được lớp đệm hạn chế rủi ro thanh khoản, một mặt để đáp ứng được các tiêu chuẩn Basel 2 mà Việt Nam đang hướng tới. Theo tính toán của hãng đánh giá tín dụng Moody’s, tổng số vốn mà các ngân hàng Việt đang cần bổ sung thêm vào cuối 2016 lên đến 9,5 tỷ USD, tương đương với 4,6% GDP. Tất nhiên, việc gia tăng quy mô vốn chủ sở hữu quá nhanh có thể dẫn đến thực trạng giá cổ phiếu một số ngân hàng sẽ nhạt bớt.