Sẽ quy định rõ ràng về loại hình căn hộ khách sạn - Condotel
Condotel được hiểu là căn hộ khách sạn trong các khu du lịch, nghỉ dưỡng, là loại hình bất động sản mới nhưng chưa được điều chỉnh một cách đầy đủ trong quy định của pháp luật…
Theo Bộ Xây dựng, cả nước có 148 dự án condotel với sự tham gia của 52 chủ đầu tư. Dự kiến, giai đoạn 2017 – 2019, có khoảng 27.000 – 29.000 căn hộ được tung ra thị trường. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và condotel nói riêng đang trở thành hiện tượng trên thị trường bất động sản. Condotel đã góp phần thay đổi diện mạo du lịch đó chính là lý do các địa phương hào hứng với đầu tư dự án condotel.
2 tháng đầu năm, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng gần 30% so với cùng kỳ và dự báo năm 2018 tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, do đó, dịch vụ lưu trú cũng sẽ phải tăng trưởng để phục vụ nhu cầu khách du lịch và condotel chính là một trong những nguồn cung. Theo ước tính, năm 2017, tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận, Quảng Ninh… đã có hơn 22.800 căn hộ du lịch được chào bán, với số giao dịch thành công hơn 12.500 căn.
Lý giải về lý do tại sao bùng nổ condotel dù khung pháp lý chưa chặt chẽ, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, vì condotel có những ưu điểm lớn, đánh trúng vào thời điểm hiện nay khi khách du lịch tăng trưởng nhanh; tín dụng từ ngân hàng lĩnh vực này giảm; tầng lớp trung lưu xuất hiện nhiều và có nhu cầu đầu tư.
Ngoài lý do trên, theo ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC thì với nhà đầu tư thứ cấp, đầu tư vào condotel vừa giúp họ được sở hữu tài sản, vừa mang lại thu nhập ổn định từ khai thác cho thuê mà không phải tự quản lý tài sản, tự kinh doanh.
Tuy nhiên, ở cấp vĩ mô, sự bùng nổ của đầu tư loại hình condotel vừa qua cũng gây nên những lo ngại về cung vượt cầu. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) nhìn nhận, hiện nay, nóng nhất là Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, năm 2017, địa phương đón 6,5 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế.
Đà Nẵng có tổng số 30.000 phòng, trong đó có khoảng 8.000 phòng tiêu chuẩn 4-5 sao nhưng dự báo đến năm 2020, Đà Nẵng gia tăng 13.000 -15.000 condotel. Điều này đồng nghĩa lượt khác sẽ phải tăng hơn 2 lần so với năm 2017 và “điều đó là không thể vì khách đến điểm du lịch còn phụ thuộc vào sức chứa của điểm đến nên nếu không có chính sách điều tiết thì sự dư thừa sẽ xảy ra”.
Song một số ý kiến đã tỏ ra không đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, dòng tiền đầu tư vốn rất thông minh, và chỉ chảy vào lĩnh vực nào sinh lợi tốt nhất. Với chức năng và vai trò của mình, ngành du lịch thì nếu càng có nhiều cơ sở lưu trú, căn hộ du lịch chất lượng cao cho thuê để đáp ứng nhu cầu khách du lịch thì đấy là điều nên mừng…
Về quy định pháp lý liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho loại hình căn hộ du lịch này, có ý kiến cho rằng về cơ bản các quy định của luật hiện tại đã quy định, và các địa phương hoàn toàn có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, với ý kiến thận trọng hơn, ông Trịnh Văn Quyết cho biết, như tỉnh Bình Định cấp cho FLC toàn bộ từ biệt thự tới condotel là cấp lâu dài. Cấp sổ đỏ như đất đang ở. Nhưng là nhà đầu tư, chúng tôi hiểu quy định pháp luật, khi cấp đất ở như vậy thì phải kèm theo điện đường trường trạm. Do vậy, chúng tôi tư vấn cho tỉnh Bình Định cấp theo loại đất ở nhưng không hình thành đơn vị ở. Khi nào có người dân vào ở lâu dài thì sẽ xin đưa phần không có đơn vị ở lâu dài ra ngoài phần đã cấp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Phan Chí Hiếu thừa nhận, có những nơi vẫn bối rối trong việc cấp giấy chứng nhận và quyền sở hữu cho loại hình condotel. Về giải pháp trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng cần sớm xây dựng khung pháp lý về các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho condotel để nhà đầu tư yên tâm.
Vừa rồi chúng tôi có nhận được đề nghị thẩm định Luật Đất đai của Bộ tài nguyên và Môi trường. Bộ này cũng có nói đến condotel với mục đích sử dụng là kinh doanh dịch vụ. Như vậy, trong tương lai chúng ta sẽ có thể quy định chặt chẽ hơn.