Sự bất thường của CPI
Bức tranh kinh tế dần sáng | |
CPI tháng 6 tiếp tục giảm 0,17% |
Công tác điều hành giá luôn chủ động, cơ quan quản lý giá và các bộ, ngành, địa phương tăng cường bình ổn giá, góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra biến động. Nhưng xu hướng giảm của lạm phát từ đầu năm đến nay là khá bất ngờ.
Hiện tượng bất thường của CPI thể hiện nhiều lo ngại của nền kinh tế về ổn định vĩ mô |
Nỗi lo lớn khi giá giảm mạnh
Theo Tổng cục Thống kê, tính trung bình 6 tháng đầu năm 2017, lạm phát đang ở mức 4,15%. “Điều đáng nói là mức lạm phát 4,15% này không phản ánh chính xác nhiệt độ của nền kinh tế vào thời điểm hiện nay”, theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính. Bởi nếu loại trừ tác động do các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế bằng biện pháp hành chính thì lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2017 đã ở mức âm, trong đó có 4 tháng âm liên tiếp (từ tháng 3 đến tháng 6).
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính chỉ ra sự khác biệt của CPI 6 tháng vừa qua có xu hướng giảm liên tiếp và “đây là hiện tượng bất thường”, so với xu hướng các năm trước là tăng dần hoặc ngang bằng với mức tăng của tháng trước.
Hiện tượng bất thường của CPI thể hiện nhiều lo ngại lớn của nền kinh tế về ổn định vĩ mô về sinh kế người dân và về sự phụ thuộc kinh tế.
Ông Tuyến chỉ ra rằng yếu tố tác động lớn nhất làm cho chỉ số giá tiêu dùng giảm suốt những tháng qua là giá thịt lợn giảm mạnh từ 50.000 – 60.000 đồng/kg xuống còn khoảng 20.000 đồng/kg do lượng xuất sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh và có lúc dừng nhập khẩu. Giá rau, củ, quả cũng giảm liên tục đã tác động không nhỏ tới mức giảm của CPI.
Cũng như ông Tuyến, PGS - TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng của Học viện Tài chính lưu ý nguyên nhân gây nên xu hướng giảm giá là giá thực phẩm giảm mạnh do ế thừa thịt lợn vì Trung Quốc đã cấm nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. “Đây lại là nỗi lo cho người chăn nuôi khi mà giá thịt lợn rớt thảm trong những tháng đầu năm đã đẩy không ít người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn; buộc các cơ quan chức năng phải ra tay giải cứu”, ông Long phát biểu. Sau lợn, gần đây theo phản ánh của nhiều cơ quan báo chí giá trứng gà cũng đang sụt giảm mạnh. “Lạm phát giảm mạnh không phải là điều đáng mừng và không bền vững”, ông Long nói.
“Kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển còn nặng về bị động, tự phát và phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi Trung Quốc không nhập hàng nữa là ế thừa và giá hàng bị giảm sút nghiêm trọng thường xuyên xảy ra nhưng cho tới nay vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để khắc phục”, theo ông Tuyến.
Tăng trưởng 6,7%, lạm phát 4% - khó đạt được cả hai
Trong những phân tích về tình hình giá cả 6 tháng qua, dường như ông Tuyến có phần phê phán: Hệ thống thị trường và quản lý thị trường yếu kém. Các cơ quan có trách nhiệm về hoạch định chính sách cũng như quản lý thị trường không bám sát diễn biến của thị trường, không dự báo được nhu cầu và kịp thời cảnh báo cho khu vực sản xuất điều chỉnh về sản lượng sản xuất làm cho mức dư thừa sản lượng quá lớn.
Ngoài ra, công tác quản lý, định hướng thị trường cũng gần như bất lực trước diễn biến của giá cả, tạo bất bình đẳng lớn giữa khâu sản xuất và thương mại. Thể hiện rõ nhất là ở khu vực sản xuất giá đã giảm rất lớn, thậm chí là bán dưới giá vốn nhưng khu vực thương mại (trong siêu thị và các chợ) vẫn bán với giá rất cao đã tác động làm cho khủng hoảng dư thừa thêm nặng nề và kéo dài.
PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng: “Xu hướng giảm của lạm phát từ đầu năm đến nay là khá bất ngờ, trái ngược với dự báo của nhiều cơ quan chức năng và các chuyên gia kinh tế trước đó”. Bởi lẽ, sau khi đạt mức tăng thấp kỷ lục 0,63% vào năm 2015, CPI đã liên tục duy trì xu hướng tăng trong cả năm 2016 và kết thúc năm ở mức 4,74%. Bước sang năm 2017, chỉ số CPI được dự báo là sẽ phải đối mặt nhiều yếu tố bất lợi như diễn biến tăng của giá dầu mỏ hay xu hướng tăng giá của các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới, cùng với kế hoạch điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt.
“Cần thận trọng với diễn biến lạm phát, khi mà áp lực lạm phát vẫn đang rất lớn vì vẫn còn có nhiều yếu tố đang gây bất lợi cho CPI”, theo ông Long. Giá thịt lợn đã và đang ở vùng giá thấp nhất, người chăn nuôi sẽ bị lỗ và sẽ không có hiện tượng tái đàn, nguồn cung trong thời gian tới sẽ giảm nhiều, xu hướng tăng giá trở lại sẽ là tất yếu. Bên cạnh đó là tác động từ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong thời gian tới.
Và áp lực lên lạm phát lớn đến ngay từ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, theo như ý ông Long muốn nói. Ông cho rằng để đạt mục tiêu nhiều khả năng các chính sách sẽ thiên về xu hướng nới lỏng. Có thể Chính phủ sẽ chấp nhận nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ vừa phải để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng thì tiền sẽ được bơm ra nhiều hơn để các doanh nghiệp có cơ hội gia tăng khối lượng sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Ông Long cảnh báo, “sẽ khó kiểm soát lạm phát nếu kích thích tăng trưởng không phù hợp”. Chưa kể giá dầu thì biến động khó lường và nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, sẽ tạo ra sức ép về tỷ giá khá lớn cho Việt Nam cũng như sức ép lên lạm phát. Bên cạnh đó là lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
“Theo quan điểm cá nhân tôi, phải rất nỗ lực và có những giải pháp hợp lý mới có thể cùng lúc đạt được 2 mục tiêu: tăng trưởng 6,7% và lạm phát 4%. Bởi mục tiêu tăng trưởng 6,7% vẫn là thách thức”, ông Long nói.
Theo ông, tăng trưởng kinh tế sẽ có nhiều khởi sắc khi môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện thúc đẩy khu vực sản xuất trong nước nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,7% vẫn là một ngưỡng cao khó để nền kinh tế Việt Nam có thể vươn tới khi nhiều khó khăn nội tại (trong khu vực công nghiệp, nông nghiệp) vẫn còn hiện hữu. Động lực tăng trưởng truyền thống như vốn, xuất khẩu và dựa vào khu vực công nghiệp đã không còn nhiều dư địa.
Bên cạnh đó những bất ổn trong nền kinh tế và tình trạng dư thừa năng lực sản xuất ở Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và tăng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Việt Nam có thể dẫn đến những rủi ro lớn đối với Việt Nam nếu tiếp nhận những nhà máy, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên vật liệu, không thân thiện với môi trường thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài hay dưới hình thức ODA.
Dự báo sản xuất kinh doanh sẽ được đẩy mạnh hơn khi bước vào chu kỳ sản xuất cuối năm, nhưng tăng trưởng kinh tế quý II có thể ở mức 5,6%; quý III ở mức 6,4%; quý IV ở mức 7,1% và cả năm chỉ có thể là 6,2%, ông Long dự báo.
“Chính phủ không nên dùng chính sách tài khóa để kích cầu, dùng chính sách này sẽ kèm theo không ít rủi ro, gây áp lực lớn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát. Để kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng bền vững, giải pháp tổng lực và quan trọng nhất là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào những giải pháp mang tính dài hạn như: nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, xử lý nợ xấu…”, ông Long khuyến nghị.