Sức ép 6,7% và câu hỏi mở
Chính sách lãi suất nào có lợi cho tăng trưởng kinh tế | |
Nhiều yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm | |
Bóc vỏ mục tiêu, tìm lõi tăng trưởng |
Sức ép 6,7%
Hồi tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo sơ bộ 3 kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2017: với kịch bản thấp GDP dự kiến đạt 5,89%; kịch bản khả thi có khả năng đạt được là 6,23%; và kịch bản cao đòi hỏi có nhiều nỗ lực và giải pháp mạnh có khả năng tăng 6,57%.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành và một số địa phương lớn xây dựng kịch bản, phương án tăng trưởng kinh tế của quý II, III, IV và cả năm 2017, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo chỉ đạo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán, chi tiết hóa phương án tăng trưởng cả năm 2017 là 6,7%, tốc độ tăng trưởng của quý II phải đạt được 6,26%, quý III là 7,29% và quý IV là 7,49%.
Ảnh minh họa |
Và một trong những giải pháp quan trọng để đạt được kịch bản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị “tăng thêm sản lượng khai thác trong nước, tối thiểu đạt 1 triệu tấn dầu nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu”. Đặt ra kịch bản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư “đã tính đến điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 35% trên GDP, kế hoạch sản xuất và xuất khẩu tăng 20% của các nhà máy thuộc Tập đoàn Samsung, các điều kiện về kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, thời tiết khí hậu... đều gặp thuận lợi”.
“Chính phủ đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế. Mức tăng GDP của hai năm đầu nhiệm kỳ này đều thấp... Kế hoạch trung hạn 5 năm cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 – 7%, trong khi năm 2016 không đạt, nên nếu năm 2017 tiếp tục không đạt thì những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh. Đó là sức ép lớn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn”, theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam. Hơn nữa, trong điều hành kinh tế, có một số chỉ số vĩ mô bị ràng buộc bởi GDP, như tỷ lệ thâm hụt ngân sách (bội chi) và nợ công.
Và khả năng... không thể
Chính phủ đã tỏ rõ sự kiên định, nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%. Ngành dầu khí khẳng định: phấn đấu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô và 1 tỷ m3 khí, qua đó phấn đấu cả năm sẽ đạt 13,28 triệu tấn dầu thô và 10,6 tỷ m3 khí, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch bổ sung được Thủ tướng Chính phủ giao. Nhưng các chuyên gia thì cho rằng khó mà đạt được mục tiêu 6,7%, các bộ ngành cũng khá lo lắng về khả năng đạt được con số này. Các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong hệ thống nhà nước đến chuyên gia bên ngoài cũng đều hiểu rõ khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng gần như không thể.
Và mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác dầu giảm 12,5%, khai thác khí giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2016. Giá dầu đã giảm còn 46 USD/thùng và dự báo, do nhiều yếu tố quốc tế, giá dầu thô trong nửa cuối năm nay chỉ ở mức 40-50 USD/thùng. Đã vậy hầu hết các mỏ đã đến thời kỳ suy giảm tự nhiên, nên tăng khai thác sẽ dẫn đến việc thu xếp tài chính rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Hơn nữa, số lượng công trình khai thác mới đưa vào để bổ sung sản lượng khai thác lại rất ít, năm 2017 chỉ có một công trình mới đưa vào khai thác là giàn Thỏ Trắng của Liên doanh Việt – Nga.
“Việc giá dầu thô tiếp tục giảm dưới 50 USD/thùng sẽ khiến kế hoạch cải thiện GDP thông qua hoạt động tăng cường khai thác khoáng sản và hút thêm 1 triệu tấn dầu thô của Chính phủ Việt Nam gặp nhiều thách thức”, theo ông Đinh Tuấn Minh – Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư MarkItello. Giá dầu thô duy trì ở mức thấp, việc hút thêm dầu thô để bán có thể sẽ dẫn đến thua lỗ cho đơn vị khai thác.
Xóa bỏ các rào cản
Bàn về khả năng tăng trưởng của năm nay và phương pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng, ông Nguyễn Xuân Thành nói rằng: vấn đề của nền kinh tế Việt Nam là các rào cản tăng trưởng vẫn tồn tại. Muốn tăng trưởng cao hơn thì phải xóa bỏ rào cản. Hiện, các biện pháp nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành. Đặc biệt, ngành dầu khí được chỉ thị tăng cường sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào GDP. Tuy nhiên, việc áp đặt chỉ tiêu cho từng bộ ngành có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, do không tạo ra động lực phát triển cho các thành phần kinh tế.
“Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách”, ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR phát biểu. Ông Thành cho biết VEPR dự báo tăng trưởng quý III là 6,7%, quý IV là 7,0% và cả năm là 6,4% tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra ở tháng quý trước.
“Khả năng nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,7% như theo kế hoạch cũng như duy trì được mức tăng trưởng cao trong dài hạn thì vẫn là một câu hỏi mở. Điều này phụ thuộc nhiều vào việc liệu Việt Nam có thể cải thiện được mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng hiện nay hay không vì đây mới là nhân tố chính quyết định Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong tương lai”, theo ông Đinh Tuấn Minh. Và ông Minh cho biết: Những giải pháp ngắn hạn của Chính phủ để đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch ít nhiều tạo ra bầu không khí lo âu cho cộng đồng DN. Đây là thời điểm Chính phủ cần tiếp tục kiên trì với các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh đã đưa ra trước đây. Chính phủ cần hướng đến việc cải thiện mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng của nền kinh tế chứ không phải là mức tăng trưởng ngắn hạn nhất thời.