Tái cơ cấu DNNN: Đòi hỏi thị trường hóa hoạt động và câu hỏi có nên bán hết
Gỡ vướng pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước | |
Thế nào là doanh nghiệp nhà nước? | |
Đến 2020 phải cổ phần hóa 93 doanh nghiệp | |
Vì sao cổ phần hóa "nhỏ giọt", thoái vốn chậm? |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho biết, để chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó có nội dung về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước, chúng ta cần phải tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2020; từ đó xây dựng phương hướng, mục tiêu và giải pháp thực hiện cho giai đoạn tới.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận và đóng góp ý kiến cho bản báo cáo đầy đủ và hoàn thiện hơn, đồng thời nhấn mạnh tới khái niệm và vai trò của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; trong đó, phân tích hình hình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Doanh nghiệp nhà nước cũng phải hoạt động theo cơ chế thị trường
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM), cho biết mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là nhằm xác định vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước, chủ yếu thông qua cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn.
Đến năm 2010, quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Doanh nghiệp nhà nước giữ tỷ trọng cao trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam về nguồn lực, chi phối nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Dự kiến, từ năm 2011-2020 sẽ chuyển đổi sở hữu của 750 doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa. Riêng giai đoạn từ 2016 đến tháng 6/2019, cơ quan chức năng đã chuyển 185 nghìn tỷ đồng là kết quả cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước về ngân sách, đạt 74% kế hoạch.
Tuy nhiên, theo ông Trung, doanh nghiệp nhà nước cũng bộc lộ không ít bất cập, như: hiệu quả đầu tư vốn nhà nước thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác, các chỉ tiêu về thu ngân sách, tạo việc làm... ngày càng giảm; vai trò dẫn dắt, điều tiết hoặc định hướng của doanh nghiệp nhà nước chưa được thể hiện rõ, sức lan tỏa chưa cao; chỉ số quay vòng vốn của doanh nghiệp thấp...
TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Chương trình Aus4Refrom cho rằng cần xem xét lại chức năng, vai trò và nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.
“Nói doanh nghiệp nhà nước có vai trò ổn định kinh tế vĩ mô là chưa hợp lý”, TS. Cung nói.
Điều này, theo ông Cung, chẳng những làm cho doanh nghiệp nhà nước bị “đè nén, đảo lộn” mà tín hiệu thị trường cũng bị sai lệch và doanh nghiệp nhà nước luôn đứng trước nguy cơ bị thua lỗ. Những khoản thua lỗ đó thực ra cuối cùng cũng là ngân sách phải bù và người dân phải gánh.
Ông Cung cũng đề nghị bỏ chức năng “công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của doanh nghiệp nhà nước”, vì điều này “chỉ làm thị thường trở nên méo mó, doanh nghiệp trở nên kém năng động”.
TS. Cung đề xuất, cải cách đầu tiên là cần phải buộc doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, không gò bó. Tức là được quyền tự chủ kinh doanh trong phạm vi, mục đích mà chủ sở hữu đặt ra chứ không nên hành chính hóa hoạt động như hiện nay.
Ông Cung cho rằng nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại và tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh.
Những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; hoàn thiện thể chế định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu...) trong cổ phần hóa theo nguyên tắc thị trường; tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích…
“Cần tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước”, ông Cung nhấn mạnh.
Doanh nghiệp lãi bán để làm gì?
Bình luận về Báo cáo của CIEM, ông Nguyễn Ngọc Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) cho rằng việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là điều chắc chắn phải làm. Tuy nhiên, khác với nhận định của nhiều chuyên gia, ông đặt ra câu hỏi liệu thoái vốn có phải là phương thức duy nhất.
Theo ông, các nước OECD đã có sự phân chia rất rõ ràng về doanh nghiệp nhà nước, trong đó loại hình nào, lĩnh vực nào đóng vai trò độc quyền và cũng quy định cách thức quản lý đi kèm.
“Tại Phần Lan có những công ty hoàn toàn là doanh nghiệp nhà nước nhưng mục tiêu của các doanh nghiệp này theo luật định là chỉ tạo doanh số cho ngân sách. Tức là, lãi sẽ được đổ về ngân sách”, ông dẫn chứng.
Ở góc độ học thuật, ông Ngọc Anh cho rằng không phải cứ “đập đi xây lại” sẽ giải quyết được vấn đề. Doanh nghiệp nhà nước ngoài việc được chia thành 2 nhóm: chiến lược - không chiến lược, thì còn một chiều nữa là nhóm nào đang kinh doanh hiệu quả, có lãi.
Như vậy, nếu với một doanh nghiệp nhà nước đang thuộc nhóm chiến lược, kinh doanh có lãi thì có nên bán không. Ví dụ như Vinamilk, với vị trí của doanh nghiệp này thì bán đi để làm gì, ông đặt câu hỏi.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Refrom) nhằm đưa ra những kiến nghị, giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước phục vụ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. CIEM được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động nghiên cứu để tham gia phục vụ chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch 2021-2025. |