Tăng quy mô và thanh khoản của các thị trường vốn: Giải pháp nào là phù hợp?
Khó phân vai trong phát triển thị trường vốn | |
Thị trường vốn: San sẻ gánh nặng với ngân hàng | |
Cần phát triển thị trường vốn để hỗ trợ ngân hàng |
Theo đánh giá của Nhóm Công tác thị trường vốn (Diễn đàn DN Việt Nam), nhìn từ chính sách vĩ mô, Việt Nam đã có các thị trường vốn. Tuy nhiên, chúng chưa vận hành một cách hiệu quả, vốn huy động từ các thị trường này là rất nhỏ so với vốn đầu tư trực tiếp. Vì vậy, giải pháp của Việt Nam lúc này là cần tăng cả về quy mô và thanh khoản của các thị trường vốn.
Ông Nguyễn Kiên - đại diện Nhóm Công tác thị trường vốn cho rằng, thủ tục hiện hành để tăng sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng lại rất phức tạp và được xét theo từng trường hợp cụ thể. Để tăng sở hữu nước ngoài, hiện nay các công ty đại chúng phải qua một trình tự rất tốn kém, bao gồm việc thuê tư vấn, thuê luật sư.
Vì vậy, để thu hút được dòng vốn mới của NĐT nước ngoài vào TTCK và vào những DNNN mới được cổ phần hóa, Việt Nam cần minh bạch hóa và tạo môi trường thuận lợi cho việc tăng sở hữu nước ngoài.
Ảnh minh họa |
Theo đó, cần phân định rõ ràng đối tượng điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán bằng cách quy định cụ thể rằng, Luật Đầu tư không áp dụng đối với các công ty đại chúng và quỹ đầu tư đại chúng. Cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% trong các công ty đại chúng, trừ trường hợp luật pháp Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể và rõ ràng về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn.
Ngoài ra, Chính phủ nên cho phép tăng sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể, đối với ngân hàng mà Nhà nước là cổ đông lớn, nên cho phép 35% sở hữu nước ngoài; đối với NHTMCP tư nhân, cũng nên cho phép 35% sở hữu nước ngoài; và đối với ngân hàng đã bị NHNN mua lại với giá 0 đồng thì nên cho phép 100% sở hữu nước ngoài.
Một trong những giải pháp lớn khác nhằm tăng quy mô và thanh khoản của các thị trường vốn là cụ thể hóa lộ trình cổ phần hóa và buộc các công ty đã cổ phần hóa phải tuân thủ thời hạn niêm yết và áp dụng phương pháp dựng sổ cho cổ phần hóa. Nhóm này cho rằng, việc công bố thoái vốn tại một số DNNN lớn của Chính phủ là một thông tin rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, để có một TTCK có thanh khoản cao và dễ dàng tiếp cận, Chính phủ cần cụ thể hóa và công bố công khai lộ trình cổ phần hóa, bao gồm liệt kê tên của các DNNN sẽ được cổ phần hóa và dự kiến thời gian thực hiện cổ phần hóa những DN này.
Đồng thời với đó là bán ít nhất 20% - 30% DN sẽ cổ phần hóa và yêu cầu các DN đã được cổ phần hóa tuyệt đối tuân thủ thời gian niêm yết và thủ tục niêm yết đối với cả UPCoM, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) như đã được quy định rõ tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 180/2015/TT-BTC. Ông Nguyễn Chiến cho rằng, việc niêm yết tại UPCoM, HNX và HoSE sẽ loại bỏ được những quan ngại chính trị cho các lãnh đạo DN khi phải định giá DN sẽ cổ phần hóa.
Ngoài ra, Nhóm Công tác thị trường vốn cũng kiến nghị Chính phủ cần tăng mức phạt vi phạm đối với những vi phạm về thời gian niêm yết và thủ tục niêm yết lên 10% lợi nhuận ròng của công ty vi phạm. Buộc chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị của công ty vi phạm phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc công ty vi phạm thời hạn niêm yết và thủ tục niêm yết. Chính phủ cũng cần cân nhắc việc loại bỏ sàn UPCoM, OTC và cân nhắc việc yêu cầu DN niêm yết thẳng tại HNX hoặc HoSE (có thể trong vòng 3 năm từ bây giờ).
Một giải pháp cũng rất được kỳ vọng là Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý cho các quỹ hưu trí tự nguyện. Ông Chiến cho biết, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định về quỹ hưu trí tự nguyện tháng 7/2016, tuy nhiên, hơn 3 tháng nay các công ty quản lý quỹ vẫn đợi thông tư hướng dẫn và sẽ phải trải qua một thủ tục xin phép lập quỹ rất mất thời gian. Nhóm Công tác thị trường vốn cũng cho rằng, chính sách ưu đãi thuế cho việc đóng góp vào quỹ chưa phù hợp mặc dù chính sách thuế chính là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của các quỹ hưu trí tự nguyện này.
“Chúng tôi thấy rằng chính sách thuế hiện tại không tạo được động lực và không đủ hấp dẫn để người lao động và người sử dụng lao động tham gia quỹ hưu trí tự nguyện. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với Bộ Tài chính và mong rằng các văn bản về thuế sẽ được sửa để giải quyết vấn đề này”, một đại diện nhóm cho hay.