Tăng thuế bảo vệ môi trường: Cần thận trọng và có lộ trình
Lãi tiền gửi tiết kiệm không phải chịu thuế thu nhập | |
Thuế tài sản, thế nào thì hợp lý? | |
Xử lý truy thu thuế tại Sabeco và Habeco |
Dù vẫn còn những ý kiến khác nhau trong thời gian gần đây nhưng Chính phủ vẫn trình Quốc hội xem xét cho tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT).
Ảnh minh họa |
Chính phủ báo cáo tổng số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2017 khoảng 150.810 tỷ đồng, bình quân khoảng 25.135 tỷ đồng/năm. Trước bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực tế hiện nay, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức thuế BVMT để đảm bảo phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị trước bối cảnh phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế, các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Chính phủ cho rằng, thị trường trong nước cũng có điểm thuận lợi cho việc tăng thuế này, khi “giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và Châu Á. Việt Nam có giá xăng dầu đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 120 nước); thấp hơn Lào là 5.556 đồng/lít, Campuchia là 3.745 đồng/lít, Trung Quốc là 1.468 đồng/lít, Singapore là 17.394 đồng/lít, Philippines là 3.451 đồng/lít, Hồng Kông là 26.950 đồng/lít.
Hơn nữa, việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế đảm bảo tiếp cận dần với mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa; đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam về BVMT và đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan. Việt Nam đã tham gia và thực hiện nhiều cam kết quốc tế về BVMT… Theo các nghiên cứu cho thấy, các hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường và để trả lại môi trường thì mức thuế BVMT của các hàng hóa này phải cao hơn rất nhiều.
Qua đánh giá khác, mức thuế BVMT đối với một số hàng hóa đang ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường khi sử dụng của các hàng hóa này; ngoài ra quy định về tên hoạt chất, tên thương phẩm một số hàng hóa tại Nghị quyết về Biểu thuế BVMT hiện hành chưa đồng bộ với pháp luật có liên quan, do đó cần được nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
Với những phân tích trên, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức thuế BVMT với xăng dầu tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, để nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và đảm bảo lợi ích quốc gia. Tăng mức thuế với dầu diesel từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn, mới nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, và dầu hỏa: tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Đối với than đá, để khuyến khích sử dụng nhiên liệu thay thế, có ảnh hưởng ít hơn đến môi trường, mức thuế cũng đồng loạt được đề nghị tăng lên đến mức kịch trần là 5.000 đồng/kg, than antraxit tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn, than nâu, than mỡ, than đá tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn… Chính phủ đề nghị tăng mức thuế BVMT đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế từ 40.000 đồng/kg lên mức trần 50.000 đồng/kg…
Với phương án điều chỉnh mức thuế BVMT nêu trên thì việc điều chỉnh mức thuế BVMT sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%. Tuy nhiên, việc tăng thuế BVMT sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Đồng thời, sẽ góp phần tăng thu NSNN khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm, từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho BVMT.
Theo các nhà khoa học với mức tăng thuế như đề xuất sẽ có tác động bất lợi khá nhiều đến đầu vào của sản xuất kinh doanh. PGS.TS.Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính cho rằng: “Nếu thu nữa bằng biện pháp tăng thuế thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, tác động không tốt tới sản xuất. Đặc biệt, khi doanh nghiệp gặp khó khăn do thuế tăng lên thì không thể cạnh tranh, thua trên sân nhà, phá sản, không tạo ra công ăn việc làm, không nộp thuế cho ngân sách được nữa”.
Dĩ nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, với mỗi sự điều chỉnh, sửa đổi lựa chọn chính sách đều có hai mặt - được và mất. Không có sự lựa chọn nào là tuyệt đối, chỉ có ưu điểm mà không có hạn chế. Nhưng cần hết sức thận trọng với việc tăng thuế. Thuế là một lĩnh vực hết sức nhậy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế xã hội, nó có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô, tác động tới tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm,… Do đó, cần thận trọng và có bước đi, lộ trình cụ thể.