Tăng tốc với FDI nhưng sức bền phải dựa vào nội lực
FDI 2018: Dòng vốn chuyển động mạnh và một số lưu ý | |
Thu hút FDI: Việt Nam đang có lợi thế để lựa chọn | |
FDI chưa thể nói là thành công |
Ông Lê Duy Thành |
Ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND chia sẻ với Thời báo Ngân hàng.
Thưa Phó Chủ tịch, Vĩnh Phúc đã làm thế nào để xây dựng được một hệ thống các DN Việt Nam cùng tham gia vào làm vệ tinh công nghệ hỗ trợ cho các DN FDI?
Nếu công nghiệp hỗ trợ kém phát triển thì sẽ hạn chế việc thu hút FDI, cũng như giữ chân các DN FDI ở lại trong dài hạn. Từ quan điểm để có thể tăng trưởng bền vững trong dài hạn, nâng cao chất lượng nền kinh tế, xây dựng nội lực, tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực tạo môi trường phát triển mối liên kết giữa DN FDI với DN trong tỉnh. Tỉnh luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các DN trong tỉnh phát triển, thu hút DN trong nước đầu tư tại tỉnh, hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Tỉnh cũng đã có những chính sách hỗ trợ phát triển các startup tiềm năng... Tại Vĩnh Phúc đã có những DN mặc dù mới khởi nghiệp khoảng 5 – 7 năm nay, nhưng cũng đã trở thành nhà cung cấp lớn cho Honda, Yamaha, Toyota… thậm chí đã có nhà sản xuất máy bay cũng đã tìm đến DN Vĩnh Phúc.
Hiện Vĩnh phúc có 1.031 dự án đầu tư, trong đó có 320 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 8,3 tỷ USD, đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Sumitomo… và 711 dự án đầu tư trong nước tổng vốn đầu tư đăng ký là 90.160 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 9.000 DN trong nước với hơn 30 DN công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho các DN FDI như Honda, Piaggio...
Từ kinh nghiệm của Vĩnh Phúc, theo ông, DN Việt có đủ sức tham gia chuỗi với DN FDI và vì sao công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam phát triển chật vật?
Theo tôi DN Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực làm công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ cho DN làm công nghiệp hỗ trợ. Nhưng chính sách hỗ trợ của Nhà nước thiếu trọng tâm, trọng điểm vẫn chỉ thiên về ưu đãi, chưa đi vào cuộc sống và rất khó áp dụng tại địa phương, nên các DN vẫn khó tiếp cận được chính sách. Quan trọng hơn cả là khái niệm công nghiệp hỗ trợ chưa thật sự rõ ràng. Có rất nhiều địa phương hay các bộ, ban, ngành có quan niệm công nghiệp hỗ trợ chỉ là ngành sản xuất ra linh kiện để phục vụ cho những ngành sản xuất ra sản phẩm chính. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng công nghiệp hỗ trợ lại không đơn thuần như vậy mà nó bao gồm cả ngành công nghiệp chế tạo ra máy móc để làm ra sản phẩm chính đó, và sản xuất linh kiện, phụ kiện hay công việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị để sản xuất sản phẩm chính cũng được coi là công nghiệp hỗ trợ.
Quan niệm chưa rõ thì chính sách hỗ trợ chưa trúng. Bên cạnh đó, khi thực thi không quan sát xem họ đã có đủ năng lực, công nghệ, trình độ, kiến thức nay chưa. Vì nếu DN không đủ khả năng thì dù có ưu đãi kết nối vào chuỗi thì cũng nhanh chóng ra đi.
Vậy theo ông, để công nghiệp hỗ trợ phát triển như mục tiêu thì cần điều chỉnh cơ chế, chính sách thế nào?
Trước hết, cần phải có quan điểm rõ ràng về công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, ưu đãi là tốt nhưng DN cần hơn là hỗ trợ để nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ công nghệ cho các DN công nghệ cao, hỗ trợ vốn và nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, cần phải có chính sách về nội địa hóa với quy định đầu tư vào Việt Nam thì trong thời hạn bao nhiêu năm phải được chuyển giao hoặc áp dụng tỷ lệ nội địa hóa, để Việt Nam không chỉ là địa chỉ lắp ráp sản phẩm cho nước ngoài. Cùng với đó là có những trung tâm để kết nối giữa các DN “đầu tàu” FDI và trong nước với các DN hỗ trợ Việt Nam.
Là một trong những tỉnh đứng đầu về thu hút FDI, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm thu hút có chọn lọc FDI của Vĩnh Phúc?
Chúng tôi xác định nếu không có chính sách tốt và đi tắt đón đầu thì không thể vượt lên. Nhưng không phải thu hút FDI bằng mọi giá. Chúng tôi xác định phát triển phải trên cả 3 trụ cột: phát triển kinh tế - an sinh xã hội và môi trường. Tại Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, với 23 chỉ tiêu cũng bám sát vào 3 mục tiêu đó, phát triển kinh tế là mục tiêu trọng tâm, đi đôi với đó là thực hiện an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống người dân.
Chính sách và chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh cũng rất rõ ràng, tỉnh sẵn sàng từ chối các dự án không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp và các dự án có nguy cơ rủi ro cao, mặc dù triển vọng nguồn thu ngân sách từ các dự án không phải là nhỏ. Vĩnh Phúc đã nói không với một dự án trên 400 triệu USD do nhà đầu tư không chứng minh được khả năng đảm bảo tuyệt đối rủi ro về môi trường dù có thể đem lại lợi ích cho phát triển kinh tế rất cao.
Vĩnh Phúc đã có 11 Khu công nghiệp đóng dòng FDI công nghệ cao chất lượng cao |
Và sự chuẩn bị để thu hút dòng FDI thế hệ mới thế nào, thưa Phó Chủ tịch?
Năm 2019 có thể là một năm có nhiều cơ hội, vì dòng đầu tư từ các nước như Trung Quốc hay một số nước trong khu vực đang có xu hướng tìm đến những nơi có môi trường đầu tư thuận lợi. Cùng với Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng cũng đã có sự chuẩn bị rất kỹ đón xu thế này với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc”; “Thành công của DN chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”.
Vĩnh Phúc đã thực hiện mạnh mẽ nhiều giải pháp đồng bộ, quy hoạch hệ thống mạng lưới các khu, cụm công nghiệp khá hoàn thiện thu hút các dự án sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phê duyệt quy hoạch 19 khu công nghiệp và 31 cụm công nghiệp, đến nay đã xây dựng được 11 khu và 15 cụm để đón dòng đầu tư thu hút FDI có chất lượng cao. Vĩnh Phúc cũng hướng thu hút thêm đầu tư vào phát triển hạ tầng khu công nghiệp, dự án du lịch dịch vụ, trường đại học tầm cỡ quốc tế, đầu tư vào các ngành dịch vụ như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục - đào tạo.
Cảm ơn Phó Chủ tịch!