Tăng trưởng đối diện thách thức
Tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ 2015 | |
WB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 6,2% năm 2016 | |
Lạc quan với tăng trưởng GDP |
Sau nhiều nỗ lực của các ngành các cấp, tăng trưởng GDP quý II/2016 đã không có nhiều bứt phá so với quý I, xác nhận thêm tình thế khó khăn của nền kinh tế trong năm 2016. Bức tranh tổng thể trên vừa được Tổng cục Thống kê phác họa tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, tổ chức ngày 28/6.
2/3 “đầu tàu” giảm tốc
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP 6 tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,55%), tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015. Điều đáng lo ngại hơn là mức độ cải thiện tăng trưởng của quý sau so với quý trước kém hẳn.
GDP có dấu hiệu chững lại do một số ngành không giữ được đà tăng trưởng |
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, ngay từ quý I cơ quan này đã có đánh giá là tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại. Sang tới quý II, dù đã có nhiều chỉ đạo điều hành quyết liệt từ phía Chính phủ, nhưng cuối cùng mức độ cải thiện tăng trưởng GDP quý II so với quý I chỉ là 0,07%, trong khi đó độ doãng này của các năm trước là từ 0,2 - 0,35%. “Điều đó có nghĩa là độ doãng đang thu ngắn lại và như vậy bước sang quý II tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục chững lại”, ông Tuyến dự báo.
Sở dĩ tăng trưởng chung của cả nền kinh tế chững lại khá nhanh so với cùng kỳ, theo ông Hà Quang Tuyến, là do những “đầu tàu” tạo nên tăng trưởng của năm 2015 đã giảm tốc đột ngột trong 6 tháng đầu năm nay. Nếu như năm 2015, tăng trưởng kinh tế khá cao, nhưng kèm theo là những hạn chế bởi tập trung quá nhiều vào một số ngành và lĩnh vực như khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, thì sang đến năm nay, những ngành này không giữ được đà tăng trưởng như trước, kéo theo ảnh hưởng chung đến cả nền kinh tế.
Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng dù vẫn đạt tăng trưởng ở mức 7,12% (đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung), song vẫn thấp hơn mức 9,09% của cùng kỳ năm 2015. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, khu vực này tăng trưởng 2,36% và đóng góp 0,42 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Với 2 “đầu tàu” đều giảm tốc như vậy, khu vực dịch vụ dù tăng 6,35% (cao hơn mức tăng 5,9% của cùng kỳ năm ngoái), đóng góp 2,38 điểm phần trăm vào mức tăng chung, song vẫn không đủ sức duy trì tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng.
Có chấp nhận tăng trưởng thấp?
Phân tích cụ thể hơn vào từng khu vực, Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp (chiếm trên 75% giá trị tăng thêm) giảm 0,78%; do đó không thể vực dậy cả khu vực này dù giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp và thuỷ sản đều tăng.
Trong khu vực công nghiệp xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,82% cũng thấp hơn nhiều mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,2%. “Đây là dấu hiệu không tốt cho cả nền kinh tế”, ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) lưu ý.
Ông dẫn chứng, ngành khai khoáng trong năm 2015 đã tăng trưởng tới 8,2% và đóng góp cao thứ 4 trong tăng trưởng chung, nhưng 6 tháng đầu năm nay lại tăng trưởng âm và nếu theo đúng kịch bản cơ quan này đã dựng lên thì sẽ còn tiếp tục sụt giảm mạnh hơn. Bởi theo dự báo và kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, năm 2016 tổng sản lượng khai thác của 2 tập đoàn này chỉ bằng khoảng 90% so với năm ngoái.
Như vậy, để đóng góp vào mức tăng trưởng chung của cả năm 2016 thì ngành khai khoáng phải có nỗ lực vượt bậc, nhất là khai thác dầu thô. Tổng cục Thống kê tính toán, để ngành khai khoáng có tăng trưởng gần bằng năm trước thì sản lượng dầu thô khai thác phải tăng hơn 2 triệu tấn so với kế hoạch đã đặt ra. Điều này là vô cùng khó khăn trong bối cảnh nguồn tài nguyên này ngày càng khan hiếm, điều kiện khai thác cũng ngày một khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong 6 tháng đầu 2016 tăng trưởng 10,1%, cao hơn một chút so với mức tăng của năm ngoái là 10%, song không bền vững. Ông Thuý dẫn chứng, nhập khẩu của nước ta vẫn tăng trưởng âm trong khi mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu cho sản xuất. Do đó, nguyên vật liệu nhập về hạn chế sẽ có tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh trong nước. Riêng ngành xây dựng dù 6 tháng đầu năm tăng trưởng vượt bậc ở mức 8,8%, cao nhất so với 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2015, song ngành này chỉ đóng góp một phần nhỏ trong tăng trưởng GDP.
Trước tình hình khó khăn chung như vậy, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6,7% mà Quốc hội đã đặt ra thì 6 tháng cuối năm GDP phải tăng rất cao, ở mức 7,6% hoặc hơn thế. Và với những dự báo này, nền kinh tế trong năm 2016 có vẻ sẽ phải chấp nhận đối diện kịch bản tăng trưởng không đạt như kỳ vọng ban đầu.