WB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 6,2% năm 2016
ANZ hạ nhẹ dự báo tăng trưởng Việt Nam | |
HSBC hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam |
Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) của WB vừa công bố ghi nhận, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt.
Ảnh minh họa |
Đánh giá cao kết quả đạt được năm 2015
Sau giai đoạn suy giảm năm 2012 và 2013, nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại, đạt mức 6% năm 2014 và tiếp tục tăng lên mức gần 6,7% năm 2015. Về phía cầu, lạm phát thấp và niềm tin người tiêu dùng củng cố trở lại đã dẫn đến tăng tiêu dùng cá nhân. Đồng thời, đầu tư cũng tăng nhờ tăng đầu tư nước ngoài trực tiếp và tăng trưởng tín dụng trong nước phục hồi trở lại. Chi chính phủ cũng tăng mạnh, trong đó riêng chi thường xuyên đã tăng 11% năm 2015.
Tăng trưởng xuất khẩu đã giảm xuống mức 8% (mức tăng năm 2014 là 13,8%) nhưng chủ yếu là do giá thực phẩm và giá nguyên vật liệu giảm và chỉ được bù trừ phần nào bởi tăng xuất khẩu sản phẩm chế tạo. Trong khi đó, nhập khẩu lại tăng nhanh dẫn đến kim ngạch xuất khẩu ròng bị giảm nhẹ.
Về phía sản xuất, tăng trưởng GDP chủ yếu dựa trên các ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng. Các ngành này tăng trưởng 11% năm 2015 và đóng góp trên ½ tổng mức tăng trưởng GDP. Thị trường bất động sản phục hồi dần, tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng, và các quy định thông thoáng hơn đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã góp phần vào tăng trưởng trong ngành xây dựng.
Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP |
Doanh số bán lẻ tăng mạnh nhờ tiêu dùng cá nhân tăng nhưng lại mất đi phần nào do tăng trưởng ngành du lịch chậm lại, khiến kết quả tổng mức tăng ngành dịch vụ chỉ đạt 6%. Sản xuất nông nghiệp năm 2015 bị suy giảm do giá nông sản toàn cầu suy giảm và điều kiện thời tiết không thuận lợi do tác động của El Niño.
Nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh nên tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm xuống. Nghèo cùng cực (theo chuẩn 1,9 USD/ngày tính trên giá trị sức mua PPP năm 2011) ước tính đã giảm xuống mức dưới 3%. Quan ngại về tình trạng nghèo gia tăng hiện nay chỉ tập trung vào số 14% dân số thuộc nhóm dân tộc thiểu số.
Viễn cảnh tích cực nhưng đi cùng nhiều rủi ro
Ổn định và bền vững kinh tế vĩ mô được duy trì về cơ bản, tuy nhiên, tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp (và đang có xu thế giảm) đang là lý do gây quan ngại.
Trong đó, thâm hụt tài khoá ghi nhận 6,5% GDP trong năm 2015 là kết quả của giảm thu và tăng chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên. Yếu tố này đã làm áp lực tài khoá tăng lên.
Ước tính, nợ công và nợ do nhà nước bảo lãnh (theo quy định của Bộ Tài chính) đã đạt mức 62,5% GDP năm 2015, trong khi năm 2014 con số này mới chỉ là 59,6%. Do vậy, các khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm mức nợ trần do luật quy định là 65%. Chính phủ cần đưa ra các biện pháp thích hợp để thực hiện củng cố tình hình tài khoá trung hạn (về phía thu hoặc chi).
Tổng dự trữ ngoại tệ đã giảm xuống mức hai tháng nhập khẩu càng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Trong khi đó, tết quả tái cơ cấu khá lẫn lộn. Cải thiện môi trường kinh doanh có tiến bộ, trong khi cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã tăng tốc trong năm 2015 nhưng tốc độ chung còn quá chậm (còn xa mới đạt mục tiêu do Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2011–15). Kết quả này thể hiện điều kiện thị trường còn yếu và Chính phủ còn chần chừ, chưa muốn chào bán các doanh nghiệp nhà nước làm ăn tốt.
Quá trình củng cố ngành ngân hàng đã đạt được một số tiến bộ, đã thực hiện một số thương vụ mua bán và sáp nhập nhưng vẫn khó có thể đạt mục tiêu giảm còn 15-17 ngân hàng vào năm 2017 từ con số hiện nay là 34 ngân hàng.
Báo cáo EAP nhận định, viễn cảnh cơ sở đối với kinh tế Việt Nam năm 2016 là tích cực nhưng rủi ro tiêu cực vẫn chiếm ưu thế. WB hạ dự báo tăng trưởng giảm còn 6,2% trong năm nay. Nguyên nhân do tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng đầu tư chậm lại. Lạm phát cũng chậm lại do tình hình toàn cầu không mấy sáng sủa và giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu giảm. Dự kiến thâm hụt tài khoá sẽ bắt đầu giảm nhằm giảm nguy cơ tăng nợ công. Thâm hụt thương mại sẽ tăng làm cho cán cân vãng lai bị thâm hụt đôi chút.
Về rủi ro, nổi lên là tốc độ tái cơ cấu chậm chạp gây rủi ro cho tăng trưởng trung hạn. Rủi ro tài khoá cũng là vấn đề cần quan tâm giải quyết. Hiện nay tín dụng đang tăng nhanh dần cũng làm tăng thêm rủi ro trong ngành ngân hàng.
Trong khi đó, cầu bên ngoài yếu đi và bất ổn tài chính toàn cầu đòi hỏi phải liên tục chú ý quản lý kinh tế vĩ mô tốt để tránh bị ảnh hưởng của các cú sốc có thể xảy ra. “Cần thực hiện ổn định tài khoá, tăng cường linh hoạt tỷ giá, và nâng dự trữ ngoại tệ để giảm nhẹ những yếu tố dễ bị tổn thương này” – báo cáo này khuyến nghị.