Tạo sản phẩm sạch cho thị trường
TP.HCM: Nỗ lực xây dựng chuỗi nông sản thực phẩm sạch | |
Đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng |
Trồng rau dưới mái che
Những năm gần đây, mô hình trồng rau trong nhà lưới, nhà kính hay dưới hệ thống màng che... được nhiều nông dân, HTX và các doanh nghiệp (DN) ở khu vực miền Trung áp dụng. Mô hình trồng rau công nghệ cao này góp phần ngăn ngừa côn trùng phá hoại, giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, những sản phẩm rau an toàn đã bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Sản phẩm rau trồng dưới mái che mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng |
Cùng với cán bộ tín dụng của Agribank Nghi Xuân (Hà Tĩnh), chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế trang trại gắn du lịch trải nghiệm xây dựng nông thôn mới của ông Lê Văn Bình ở xã Xuân Mỹ. Trang trại của ông Bình là một trong những trang trại khá nổi tiếng ở địa phương, cũng là địa điểm ghé chân của nhiều du khách khi về với quê hương của đại thi hào Nguyễn Du…
Giữa lúc thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng cao của các “thượng đế”, từ năm 2017 ông Bình đã bắt tay vào sản xuất rau củ quả công nghệ cao. Từ vốn tích lũy của gia đình và những hỗ trợ từ Agribank Nghi Xuân, ông Bình đã đầu tư 5 tỷ đồng để sản xuất rau sạch trong nhà lưới.
Theo đó, ông đã xây dựng 3 nghìn m2 nhà lưới, hoàn toàn cách ly với môi trường tự nhiên bên ngoài. Trong hệ thống nhà lưới này, ông cho trồng các loại nông sản như dưa leo, dưa lưới… với chất lượng cao, hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, các sản phẩm nông sản của trang trại đã cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc, Hải Phòng, Hà Nội và các địa phương lân cận như TP.Vinh.
Ông Lê Văn Bình chia sẻ, để đảm bảo môi trường cũng như sức khoẻ cho người tiêu dùng, xu thế trồng rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật là tất yếu. Mục đích cuối cùng là tạo được sản phẩm sạch cho thị trường, phục vụ rộng rãi nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tương tự, tại TP. Đà Nẵng mô hình trồng rau, cây ăn quả trong nhà lưới, nhà kính hay dưới hệ thống màng che... cũng đang được phát triển, nhân rộng trong thời gian qua. Trong đó, có thể kể đến mô hình trồng rau trên giá để trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Gia Khang Phát tại xã Hòa Khương (Hòa Vang). Mô hình trồng rau theo hướng công nghệ cao này được thực hiện trong hệ thống nhà kính 1 nghìn m2, với công nghệ thiết bị cho nhà màng khá hoàn chỉnh.
Hiện, Gia Khang Phát đang tổ chức trồng dưa lưới, dưa vàng với quy mô 3.800 cây/lứa trồng. Mỗi lứa trồng thu được khoảng 4 đến 5 tấn quả. Với giá bán 35 đến 40 nghìn đồng/kg doanh thu đạt 130 đến 150 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể kể đến mô hình sản xuất rau trong nhà màng tại xã Hòa Ninh và Hòa Phú (Hoà Vang). Những mô hình này có tổng kinh phí đầu tư trên 3,57 tỷ đồng/mô hình.
Trong đó, nguồn kinh phí Nhà nước của UBND huyện Hòa Vang hỗ trợ 1,4 tỷ đồng. Các công đoạn canh tác đều được cơ giới hóa và tự động hóa theo công nghệ nhà màng. Người trồng có thể điều chỉnh được các thông số phù hợp cho cây trồng về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió… Hiện nay các chủng loại đang được sản xuất rất phong phú như, xà lách, cải xanh, ớt chuông, dưa kim cô nương, dưa lưới…
Cần tháo gỡ “nút thắt”
Bên cạnh, những mô hình trồng rau trong nhà lưới, nhà kính hay dưới màng che... nhỏ lẻ của các hộ nông dân, hiện xu hướng trồng rau trong nhà cũng đã có sự tham gia của các “ông lớn”, tập đoàn lớn trong nước. Tại miền Trung, có thể kể đến mô hình ứng dụng công nghệ cao tại nông trường VinEco Nam Hội An của Công ty VinEco (thuộc quần thể Vinpearl Nam Hội An của Tập đoàn Vingroup).
Mô hình này không chỉ gây ấ́n tượng bởi kiến trúc độc đáo mà còn là 1 trong 15 nông trường được Vingroup đầu tư công nghệ canh tác thông minh bậc nhất, với những thiết bị, hạ tầng nông nghiệp, được chuyển giao 100% từ nước ngoài. Mô hình sử dụng công nghệ nhà kính điều khiển khí hậu (Pháp), công nghệ canh tác nhiều tầng (Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và công nghệ tưới thông minh (Israel), cho phép trồng rau quanh năm.
Có thể khẳng định, xu hướng trồng rau trong nhà lưới, nhà kính hay dưới màng che... có chi phí đầu tư lớn, song đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất đại trà. Thời gian thu hoạch ngắn, sản xuất được rau, quả trái vụ, giúp tăng số lứa trong năm; Chi phí phân, thuốc thấp, giảm công lao động, tiết kiệm điện năng; Chất lượng sản phẩm tăng, giá bán tăng 20% so với đại trà. Quá trình sản xuất được duy trì ổn định, luôn có sản phẩm để cung cấp thường xuyên cho thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế do chi phí đầu tư cơ bản ban đầu cao nên mô hình này vẫn rất khó nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước. Đặc biệt, hiện nay người tiêu dùng vẫn khó phân biệt sản phẩm rau an toàn hay rau không an toàn nên mặt bằng giá chưa hợp lý. Thực tế rau sạch, rau an toàn chi phí cao, năng suất thấp nên giá thành sản phẩm phải cao hơn.
Hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có các mô hình trồng rau trong nhà lưới, nhà kính hay dưới màng che... các TCTD trên địa bàn miền Trung đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để các khách hàng được tiếp cận vốn vay, đảm bảo công khai, minh bạch. Một số TCTD chủ động tiếp cận với DN, HTX có tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Bên cạnh những nỗ lực từ ngành Ngân hàng, để tiếp sức cho những mô hình trồng rau sạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên môn hóa đối với cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với lợi thế cạnh tranh và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, UBND cấp tỉnh cũng cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp Giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4/2018. Bởi đây cũng là một trong những “nút thắt”, rào cản đối với tín dụng đầu tư cho lĩnh vực này.