Thận trọng trước bước “nhảy vọt” của tăng trưởng
Tín dụng ước tăng 11,02% trong 9 tháng đầu năm | |
Nền kinh tế đang bứt tốc | |
Thêm nhiều tín hiệu cho thấy kinh tế Nhật đang phục hồi vững chắc |
Điều hành kinh tế trong quý cuối cùng của năm 2017 đã “nhẹ gánh“ hơn rất nhiều nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III đạt 7,46%, tiếp tục duy trì đà bứt phá mạnh mẽ từ quý II. Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố trong cuộc họp báo sáng ngày 29/9 cho thấy, GDP trong nước 9 tháng ước tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% nhiều khả năng sẽ đạt được.
Tiếp đà bứt phá mạnh
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý III đã tăng ngoạn mục và đạt mức kỷ lục sau nhiều năm. “Đây là năm có mức tăng GDP quý III cao nhất trong giai đoạn từ 2011 đến nay”, ông Lâm nhấn mạnh.
Điều hành thận trọng để tránh tăng trưởng nóng |
Lý giải về sự bứt phá vượt bậc này, ông Lâm phân tích, trước hết là dựa vào ngành thuỷ sản tăng trưởng trên 5%. Điều này thể hiện sự chuyển dịch nhanh chóng và kịp thời cơ cấu nông nghiệp từ trồng lúa sang nuôi trồng thuỷ sản. Theo tính toán, 1 ha đất nông nghiệp sau khi chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm sẽ cho giá trị cao hơn gấp 4,5 lần, nhờ đó đóng góp thêm nhiều hơn vào GDP.
Điểm sáng thứ 2 ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, khi đây là lần đầu tiên khu vực này đạt mức tăng trưởng 12,8%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. “Ở đây có sự đóng góp không nhỏ của khu vực FDI, cụ thể là Samsung với việc ra đời dòng sản phẩm mới”, ông Lâm nhấn mạnh.
Điểm sáng thứ 3 là sự phát triển của nhóm ngành dịch vụ, trong đó có tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng mạnh. Nếu loại trừ yếu tố giá, ngành này tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung. Một số ngành khác cũng đạt tăng trưởng ấn tượng là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,89%, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,99%, cao nhất từ năm 2012 trở lại đây...
Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện. Đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả chung cuộc là 6,7% thì quý cuối cùng của năm 2017, tăng trưởng phải đạt khoảng 7,81%. Đây là mức tăng rất cao. “Chúng tôi đã xem lại số liệu trong cả giai đoạn 2011-2016 thì chưa có quý IV năm nào tăng trưởng vượt mức 7,31% cả”, ông Nguyễn Bích Lâm lưu ý.
Tuy nhiên với đà bứt phá đã và đang được duy trì từ quý II đến nay, thì vẫn có nhiều khả năng GDP quý IV sẽ đạt hoặc vượt mức 7,81%. Cơ quan thống kê cũng lưu ý, dù nền kinh tế trong 9 tháng đã khởi sắc, song vẫn phải tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo sát sao của các bộ ngành, địa phương, nhằm tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi. Nếu vội thoả mãn với kết quả của 9 tháng thì sẽ khó đạt được mức 6,7% cho cả năm.
Thấy gì sau 2 bước nhảy vọt liên tiếp?
Với sự bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế trong 2 quý vừa qua, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm tăng trưởng GDP đã liên tiếp có những “bước nhảy” mang tính lịch sử. Cụ thể là độ doãng giữa tăng trưởng GDP quý II và quý I lên tới 1,13 điểm %; và giữa quý III so với quý II lên tới 1,18 điểm %. Trong khi đó, số liệu thống kê về độ doãng của GDP giữa các quý trong từng năm cho thấy phổ biến ở mức khoảng 0,3%, có năm cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 0,89%. Vì vậy, độ doãng duy trì liên tiếp ở mức hơn 1% giữa 3 quý của năm đã cho thấy sự cố gắng vượt bậc của cả nền kinh tế.
Theo TS. Võ Trí Thành: Nếu nền kinh tế đã thực sự đạt những bước nhảy vọt như con số thống kê, thì chưa cần vội vã đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng Tuy nhiên, trước diễn biến tích cực của tăng trưởng thể hiện qua những con số thống kê, đã có một số ý kiến băn khoăn về chất lượng cũng như tính bền vững của tăng trưởng. Cần phải nhắc lại rằng, trước đó vài ngày Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 6,3%. Những đánh giá có phần trái chiều giữa cơ quan thống kê trong nước và tổ chức quốc tế khiến các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những lý giải căn cơ hơn về việc vì sao nền kinh tế có thể bứt phá mạnh như vậy, đó có phải là yếu tố bền vững hay không? Hơn nữa, cùng với tăng trưởng cao, thì kéo theo đó có thể sẽ là những rủi ro. Vì vậy cần phải nhận diện chính xác để có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng bền vững trong quý IV cũng như trong năm 2018. Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho biết, con số tăng trưởng vừa công bố đã khiến ông ít nhiều băn khoăn. Ông Thành thừa nhận nền kinh tế trong quý vừa qua đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt trong đó có sự đóng góp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo mà Samsung là nhân tố chính. Trong 9 tháng, sản lượng của tập đoàn này đã tăng tới hơn 40%, là mức rất nhanh. Ngoài ra một số cơ sở sản xuất lớn như Formosa đã chính thức vận hành và cho ra lò khoảng 1,5 triệu tấn thép, cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp… Tuy nhiên, “khi tăng trưởng do 1-2 ngành dẫn dắt thì phải xem lại tính bền vững của nó”, ông Thành khuyến nghị. Một vấn đề khác cần lưu ý là khi tăng trưởng có bước nhảy đột ngột, lại nằm trong bối cảnh một số chính sách kích thích như nới lỏng tiền tệ, tài khoá, đầu tư công… chưa diễn ra mạnh mẽ, vừa mới chỉ bắt đầu, thì cần xem xét việc có cần thiết phải mạnh tay kích thích tăng trưởng nữa hay không. Ông Thành phân tích thêm, qua 9 tháng tăng trưởng tín dụng mới đạt hơn 11%, trong khi đầu tư công cũng đang giải ngân rất chậm, vì vậy chưa vội lo ngại nền kinh tế đang tăng trưởng nóng do nới lỏng tiền tệ, đầu tư. Tuy nhiên, nếu so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21% trong năm nay, thì 3 tháng cuối năm phải tăng trưởng tín dụng thêm 10%, cung tiền hàng tháng sẽ cao gấp 3 lần so với những tháng đầu năm. Ông Thành cho rằng, nếu nền kinh tế đã thực sự đạt những bước nhảy vọt như con số thống kê, thì chưa cần vội vã đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công cũng cần tiếp tục thận trọng để tránh việc tăng trưởng nóng và bớt đi các rủi ro đối với kinh tế vĩ mô trong dài hạn. |