The Kafe và lời cảnh tỉnh
Nhà nước sẽ góp vốn cho khởi nghiệp | |
VOV công bố chương trình truyền thông “Tiến lên Việt Nam” | |
Doanh nghiệp khởi nghiệp được vay ưu đãi lãi suất tại VietinBank |
Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vừa mới nhận được một tin không mấy vui khi người sáng lập chuỗi nhà hàng The Kafe, bà Đào Chi Anh bất ngờ thông báo không còn giữ chức tổng giám đốc và tham gia vào các hoạt động của chuỗi này nữa.
Còn nhớ cách đây 1 năm, The Kafe đã làm dậy sóng giới khởi nghiệp Việt Nam khi huy động được tới 5,5 triệu USD vốn đầu tư của quỹ Cassia Investments. Số tiền này dự kiến sẽ được dùng để mở thêm nhà hàng, thâu tóm các DN khác và đầu tư vào nguồn nguyên liệu sạch để khép kín chuỗi kinh doanh ẩm thực. Thậm chí giấc mơ của The Kafe là sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hong Kong và vươn ra khu vực.
Không có con đường thành công nào trải đầy hoa hồng |
Quy mô của The Kafe hiện khoảng 20 nhà hàng, tập trung chủ yếu ở TP. HCM và Hà Nội, gần gấp đôi so với quy mô cách đây 1 năm.
Mặc dù vậy, với tham vọng của Đào Chi Anh thì con số này chưa thể nói là thành công bởi một chuỗi F&B muốn thành công thì tốc độ mở nhà hàng sẽ phải nhanh hơn thế nữa để nhanh chóng tạo dựng thương hiệu và đánh chiếm thị phần. Nhưng với quy mô ngày càng phình to, năng lực quản trị và nhất là về quản lý dòng tiền sẽ là một trở ngại không dễ vượt qua. Thực tế thì The Kafe đã sớm gặp phải những thách thức này.
Ngành F&B vẫn được xem là ngành có triển vọng tăng trưởng khả quan ở Việt Nam hiện nay nhưng không phải dễ ăn, bởi có sự tham gia của quá nhiều tay chơi trong nước như: Wrap & Roll, Trung Nguyên, Golden Gate, Huy Vietnam hay các thương hiệu nước ngoài như High Land, McDonald’s, Starbucks, Lotteria, Coca Restaurants, Coffee Bean & Tea Leaf... Cùng với đó là hàng trăm nghìn các nhà hàng đơn lẻ của các cá nhân hay hộ gia đình vốn có lợi thế chi phí rẻ và hợp khẩu vị với nhiều người.
Bởi tính cạnh tranh quá khốc liệt và thất bại trong việc định vị thương hiệu nên nhiều cái tên đã phải dừng cuộc chơi hay thu hẹp quy mô, cho dù đó là những thương hiệu nước ngoài nổi tiếng như chuỗi café NYDC hay chuỗi nhà hàng Burger King.
Theo thông tin từ DealStreetAsia, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu hoàn toàn cổ phần của The Kafe. Một sự thay đổi lớn về chiến lược hoạt động sau khi thay da đổi thịt có lẽ sẽ sớm được công bố trên truyền thông và chúng ta cùng chờ xem những người chủ mới sẽ có những định hướng gì để lèo lái con thuyền The Kafe.
Tuy vậy ở khía cạnh tích cực, thất bại của The Kafe mang lại một cơ hội tốt để các nhà khởi nghiệp (startups) khác nhìn lại mình, đánh giá lại các cơ hội và rủi ro. Họ nên ý thức được rằng, khởi nghiệp không mang nhiều màu hồng, nhất là sự tự tin thái quá ban đầu thường dẫn đến những đánh giá không đúng về năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt là rất nhiều ý tưởng nhưng không dễ để biến nó thành hiện thực.
Theo các chuyên gia quản trị, tỷ lệ thành công của các DN khởi nghiệp sẽ chỉ khoảng 10%, số còn lại đa phần sẽ phải đối mặt với một loạt các khó khăn thách thức, doanh thu chỉ đủ bù cho chi phí hoạt động…
Làn sóng khởi nghiệp có dấu hiệu sôi động trong 2 năm trở lại đây. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã rót hàng triệu USD đầu tư vào một số DN Việt Nam. Trong nước, Chính phủ đã phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ. Thậm chí đã có kế hoạch thành lập một sàn giao dịch chứng khoán dành riêng cho các công ty khởi nghiệp để giúp huy động được vốn.
Tất nhiên đó là những sáng kiến tốt, giúp cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam sôi động hơn, kích thích tinh thần kinh doanh và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng thất bại của The Kafe thật sự là lời cảnh báo có giá trị cho các startups và rằng “không có con đường thành công nào trải đầy hoa hồng”.
Bí quyết để kinh doanh chuỗi nhà hàng thành công Để kinh doanh một thương hiệu F&B thành công trong môi trường cạnh tranh cao như ở Việt Nam, theo kinh nghiệm tư vấn của ông Sean T Ngo, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn nhượng quyền VF Franchise Consulting, DN sẽ cần phải đảm bảo những yếu tố sau: a. Định vị thương hiệu tập trung vào một thị trường được lựa chọn rất kỹ, bởi không có thương hiệu nào có thể phục vụ cho tất cả khách hàng và việc tập trung sẽ là yếu tố cực kỳ quan trọng để giành được lợi thế cạnh tranh. b. Có nguồn lực tài chính tốt để mở rộng nhanh chóng và hiệu quả. Tính kinh tế về quy mô là yếu tố rất quan trọng để thành công trong lĩnh vực F&B. c. Lựa chọn kỹ lưỡng bất động sản có khả năng mang lại giá trị gia tăng cao. Nhưng cố gắng đừng nhầm lẫn là việc giá thuê cao sẽ đi kèm với giá trị gia tăng cao. d. Đầu tư và nâng cấp đội ngũ quản lý cấp cao có chất lượng tốt. Nhóm này sẽ hành động như những người thầy chỉ dẫn cho đội ngũ nhân viên và quản lý cấp trung. Đảm bảo chuỗi cung ứng được tối ưu hóa, đảm bảo nguồn nguyên liệu có chất lượng và nhất quán với thương hiệu tạo dựng. |