Thị trường BĐS sẽ sôi động nhờ vốn FDI
Thị trường căn hộ bán giảm nhưng sẽ phục hồi
Thị trường căn hộ bán khởi đầu quý I/2017 một cách trầm lắng với sự suy giảm trong số căn hộ chào bán mới và số căn bán được trong tất cả các phân khúc, đặc biệt đối với phân phúc cao cấp và hạng sang. Trong quý I, thị trường căn hộ ở TP HCM đón nhận thêm 5.083 căn từ 21 dự án trong đó có sáu dự án mới, giảm 44% theo quý và giảm 49% theo năm.
Phân khúc trung cấp chiếm 52% tổng số căn hộ chào bán mới trong quý vừa qua. Các căn hộ mới được tung ra trong phân khúc cao cấp giảm đáng kể tới 72% so với quý trước. Xu hướng này đã được ghi nhận trong quý I/2015 khi các chủ đầu tư xem xét lại các dự án và chiến lược của họ.
Theo nhận định của CBRE, lần đầu tiên khu Tây của TP HCM đã vượt lên dẫn đầu về số lượng căn hộ chào bán với 1.821 căn, chiếm 36%. Khu Đông của TP HCM tiếp tục theo sát với 1,523 căn hộ được đưa ra chào bán. Tổng thị trường chào báo căn hộ trên địa bàn TP HCM đã suy giảm với chỉ 6.051 căn hộ được tiêu thụ, giảm 47% so với quý trước và 29% so với cùng kỳ năm trước.
Xu hướng suy giảm này chủ yếu là do các lựa chọn về nguồn cung hạn chế do không có dự án chào bán mới. Các căn hộ phân khúc trung cấp chiếm 67% trong tổng số căn hộ bán được trong quý vừa qua.
Hiện tại, giá chào bán căn hộ trung bình đạt 1.595 USD/m2, tăng 6% so với quý trước và 13% so với năm trước. Giá chào bán tăng 7,9% trong phân khúc cao cấp nhờ các dự án với chất lượng cao, đặc biệt trong khu vực quận 2.
Thị trường cũng cho thấy sự chuyển dịch cân bằng hơn giữa ba nhóm khách mua. Nhìn chung thì nhóm khách mua để ở đang tăng lên. Nhóm khách này chiếm 31% tổng số giao dịch thành công trong quý I/2017 so với 23% trong quý I/2016. Đồng thời, đã có nhiều khách nước ngoài mua căn hộ trong đó đặc biệt là người từ các nước Canada, Mỹ, Pháp.
Vốn FDI trở thành chất xúc tác...
Theo nhận định của CBRE “FDI tiếp tục là chất xúc tác quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua lại cổ phần trong quý I/2017 đạt 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với đóng góp lớn từ việc dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh.
Vốn FDI đầu tư vào BĐS đạt 343,69 triệu USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, tổng số vốn FDI giải ngân trong quý I/2017 ước tính đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016”.
Thực vậy, thời gian qua, các tập đoàn nước ngoài đã đổ vốn vào BĐS như tập đoàn đầu tư Meada của Nhật ký kết hợp tác với Công ty Xây dựng Thiên Đức để triển khai dự án Wateria Suites có tổng đầu tư 30 triệu USD tại quận 2, TP.HCM; liên doanh giữa Kajima của Nhật Bản với Quỹ đầu tư Indochina Capital lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD trong 10 năm tới để mua lại các dự án BĐS ở Việt Nam; Tập đoàn Creed Group Nhật Bản đã đầu tư vào An Gia Investment số tiền 200 triệu USD để cùng phát triển các dự án BĐS tầm trung tại TP.HCM…
Các DN FDI đầu tư vào thị trường căn hộ khiến nhiều DN Việt Nam lo lắng. Giám đốc một công ty địa ốc dự báo ở nước ngoài, tiền vay chỉ có lãi suất từ 0-1%/năm. Còn ở nước ta, DN vay tiền ít nhất cũng phải trả lãi ít nhất 10%/năm.
“Chỉ là chênh lệch về lãi suất cho vay thì các DN Việt Nam đã thua rồi. Chúng ta sẽ khó cạnh tranh với họ về vốn và dễ bị thâu tóm” vị này lo lắng. Tuy nhiên, đại diện DN khác lại cho rằng dòng vốn từ FDI sẽ khiến thị trường cạnh tranh lành mạnh và các DN Việt sẽ tìm được nguồn vốn lãi suất thấp từ nước ngoài.
Nhận định về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA) cho biết, các DN nước ngoài đầu tư lĩnh vực BĐS Việt Nam do nhìn thấy triển vọng của thị trường. Hơn nữa, Việt Nam cũng là điểm đầu tư rất an toàn và sinh lợi tốt. “Đây là tín hiệu tốt cho thị trường BĐS. DN, các nhà đầu tư nước ngoài và người mua nhà sẽ được hưởng lợi”, ông Châu chia sẻ.