Thị trường điện máy và những toan tính
Thế đối trọng trên thị trường điện máy | |
Ngành điện máy mất dần các thương hiệu lớn |
Các DN điện máy cần có chiến lược “dài hơi” |
Theo các DN, đây là thời điểm BĐS giảm giá, thuận lợi để tìm kiếm mặt bằng giá rẻ. Lãi suất cho vay giảm mạnh, các ngân hàng đang thừa vốn nên tìm nguồn tín dụng lãi suất thấp không khó khăn. Trong khi đó, thị trường điện máy hiện dù có mức độ cạnh tranh gay gắt nhưng chưa có nhà bán lẻ nào chiếm quá 10% thị phần.
Vì thế, đây vẫn được cho là một thị trường tiềm năng, các nhà đầu tư vẫn nuôi tham vọng mở rộng, chờ đợi kinh tế phục hồi trong tương lai. Tuy nhiên, trong cuộc đua này, các DN đối mặt với rất nhiều mạo hiểm và rủi ro.
Hầu hết các siêu thị mới mở đều sử dụng vốn vay lớn và dùng ngay chính siêu thị cùng hàng tồn kho thế chấp. Điều này giải thích vì sao nhiều DN mở 3 - 5 siêu thị trong một thời gian ngắn khi đầu tư hạ tầng, hàng hóa đều dựa vào nhà cung cấp và ngân hàng.
Đặc biệt, họ còn phải cạnh tranh với những tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài. Trước áp lực đó, tại Hà Nội, nhiều chuỗi siêu thị bán lẻ điện máy đang ngấp nghé bờ vực phá sản. Hiện có DN sở hữu 7 siêu thị điện máy lớn, đang gánh khoản nợ lên tới 600 tỷ đồng, liên tục bị các ngân hàng và công ty bảo hiểm đưa ra cảnh báo.
Theo tính toán của chính các DN, để vận hành một siêu thị, chi phí mỗi tháng khoảng 2 - 3 tỷ đồng. Để hòa vốn thì các DN phải đạt doanh số 15 tỷ đồng/tháng, tính ra mỗi ngày phải bán được 500 triệu đồng. Để tồn tại, một số DN điện máy đã mở rộng về các địa phương như Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương.
Về tỉnh, chi phí thuê mặt bằng, nhân công đều thấp hơn đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu hàng điện máy, gia dụng cũng khá cao. Tuy nhiên, vấn đề chính của thị trường này là khả năng thanh toán thấp. Vì vậy, phải tìm ra nguồn hàng có giá rẻ, cộng với chế độ bảo hành bảo dưỡng tốt để hút khách.
Thực tế, các siêu thị điện máy vừa mở ở tỉnh đều có doanh số khá tốt. Nhưng khi nhiều siêu thị cùng mở về địa phương, cùng cạnh tranh theo kiểu đại hạ giá như hiện nay, thì nguy cơ cảnh báo về thua lỗ, phá sản là khó tránh khỏi.
Trong khi một số DN điện máy như Chợ Lớn, Thiên Hòa, Media Mart, Pico nhanh chóng theo mô hình mở các siêu thị quy mô nhỏ, cắt giảm diện tích trưng bày, không có bãi đỗ xe rộng, thì chỉ duy nhất Điện máy Trần Anh vẫn giữ nguyên định hướng kinh doanh khi mở các siêu thị quy mô vừa và lớn, có sự đầu tư về bãi đỗ xe, khu vui chơi trẻ em và không gian mua sắm thoải mái.
Ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing Điện máy Trần Anh cho biết, họ đánh giá cao chiến lược mở chuỗi siêu thị điện máy với quy mô nhỏ của các DN và tin tưởng sẽ thành công. Tuy nhiên, Trần Anh không lựa chọn chiến lược này bởi làm như vậy là đi ngược với sở trường của mình.
Ở xu hướng khác, Điện Máy Xanh đang là người dẫn đầu xu hướng siêu thị diện tích nhỏ với việc sở hữu hơn 100 siêu thị điện máy trên khắp cả nước. Vừa qua, DN này còn tiếp tục công bố sẽ nâng tổng số siêu thị quy mô nhỏ lên 400 siêu thị trong năm 2017, trong đó đa số là các siêu thị có diện tích chỉ 300-400m2.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu muốn phát triển lâu dài và bền vững, DN điện máy cần phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ngay từ bây giờ để đón đầu được nhu cầu của khách hàng trong tương lai.