Thị trường tài chính - ngân hàng 2018: Tiếp tục xu hướng tích cực
Hiệu quả của nền kinh tế ngày càng cải thiện | |
Điều hành CSTT góp phần quan trọng giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu | |
Ngân hàng theo sát chuyển động của nền kinh tế |
Nền kinh tế năm 2017 đã qua một năm với nhiều thành quả đáng mừng. Lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định. Thị trường tài chính, NH ghi nhận nhiều dấu ấn đột phá. Thị trường chứng khoán tăng mức kỷ lục. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào thị trường… Năm 2018, những điểm nhấn này sẽ phát triển ra sao? Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia kinh tế và “những người trong cuộc”.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính NH:
Ngành tài chính NH có thể cải thiện các mục tiêu dài hạn
2017 là năm thành công của tài chính, bao gồm toàn bộ các ngành chứng khoán, bảo hiểm và nhất là khu vực NH.
Lòng tin vào hệ thống NH được cải thiện, các xếp hạng về NH được thay đổi theo hướng tích cực. Triển vọng xếp hạng của Việt Nam được chuyển từ “tiêu cực” sang “ổn định” và nay là triển vọng “ổn định tích cực”. Nợ xấu giảm nhanh. Đây là những tiến bộ đáng kể do nền tảng tài chính được cải thiện tốt, bao gồm tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và khả năng sinh lời. Chỉ số sinh lời tăng gần gấp đôi lên tới 11%, có NH 14-15%, đạt mức trung bình khá của khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, công cuộc tái cấu trúc hệ thống NH đạt kết quả bước đầu và tạo lòng tin nhất định, tạo triển vọng sáng sủa hơn trong năm 2018.
Với năm 2018, tôi cho rằng GDP sẽ tăng trên 6%; lạm phát có thể ở mức 4%; lãi suất ổn định, giảm nhẹ; tỷ giá ổn định. Ngành tài chính NH vẫn sẽ duy trì được sự ổn định và có thể cải thiện các mục tiêu dài hạn.
Chính phủ sẽ đề ra các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI gắn với hiệu quả |
GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài:
Phát huy quyền lựa chọn trong thu hút FDI
Trong thu hút FDI giai đoạn tới, xu hướng mua bán và sáp nhập sẽ ngày càng gia tăng. Đây là hình thức “tiền tươi thóc thật”, vào cái là bỏ tiền ra ngay, cho nên không đáng ngại về con số thu hút được. Thay vào đó, điều quan trọng nhất là lựa chọn dự án như thế nào. Sắp tới định hướng mới về thu hút FDI sẽ nhấn mạnh vào việc phải lựa chọn cho được cái nào cần thiết cho định hướng phát triển của Việt Nam, chứ không phải là lựa chọn được những dự án lớn.
Chúng tôi định hướng các dự án nhỏ sẽ dành cho DN trong nước, không thể nào để nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tham gia vào các dự án nhỏ cỡ 500.000 USD đến 1 triệu USD xuất hiện nhiều như giai đoạn vừa rồi, chỉ trừ trong các lĩnh vực dịch vụ. Các địa phương cũng cần nhận thức được chủ trương này. Nếu ông được phân cấp rồi mà cứ đi theo con đường thành tích cho từng nhiệm kỳ, đẩy vốn đăng ký lên thật cao bằng nhiều dự án nhỏ thì rất nguy hiểm.
Trong thời gian tới, chắc chắn nhà đầu tư từ Hàn Quốc sẽ vào rất nhiều. Các tập đoàn Hàn Quốc bây giờ chọn Việt Nam gần như là số 1, trong đó lại toàn là các lĩnh vực chúng ta cần thu hút đầu tư như năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió… Rồi các lĩnh vực chế tạo, dịch vụ… Hàn Quốc đều coi Việt Nam như một nơi có thể phát triển rất nhanh.
Thứ hai là Nhật Bản tiếp tục đi vào công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các địa phương của Nhật Bản thời gian qua thi nhau đem các DNNVV của nước họ vào Việt Nam khảo sát môi trường đầu tư. Cái bây giờ sợ nhất là Trung Quốc, trong đó phải xem xét cảnh giác lựa chọn đến đâu. Nếu mất cảnh giác, lựa chọn bất kỳ thì nguy, nhưng cảnh giác đến mức coi Trung Quốc là đối tượng mình không cần thì cũng không được. Cho nên với nhà đầu tư Trung Quốc, cũng phải gia tăng sự lựa chọn, cân nhắc những công nghệ nào mình cần. Ví dụ thời gian qua Trung Quốc đầu tư làm các thiết bị sản xuất điện mặt trời, điện gió là tốt. Tóm lại, cái quan trọng nhất đối với thu hút FDI sắp tới là quyền lựa chọn.
Chắc chắn sắp tới Chính phủ sẽ đề ra các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI gắn với hiệu quả chứ không phải chỉ dựa trên ưu tiên về thuế mà không tạo ra giá trị gì cả. Dự án nào hiệu quả cao, thích hợp với định hướng phát triển của Việt Nam thì dành ưu tiên cao nhất và ưu tiên không chỉ về thuế mà rất nhiều về tài chính, thương mại, phát triển các chi nhánh trong nước… nhưng với điều kiện là phải phù hợp định hướng phát triển. Như vậy, thu hút FDI giai đoạn tới sẽ không vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm mà đứng trên lợi ích dân tộc, định hướng tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới bền vững, nền kinh tế xanh.
Ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM):
Chứng khoán Việt vẫn hấp dẫn khối ngoại
2017 là một năm rất đặc biệt. Nhìn lại lịch sử của TTCK Việt Nam, không có nhiều năm chúng ta đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục như năm vừa qua, đặc biệt là sự tác động tích cực của dòng vốn ngoại lên tăng trưởng của thị trường.
Việc gia tăng đột biến của dòng vốn ngoại vào Việt Nam trong quý IV/2017 thực ra là kết quả của một quá trình tích lũy lâu dài trước đó, nhất là từ khi NHNN triển khai chính sách tỷ giá trung tâm. Điều này đã giúp thị trường NH có thanh khoản tốt, tỷ giá ổn định và lạm phát được kiềm chế. Cũng từ đó, nhà đầu tư nước ngoài đã có cái nhìn tích cực hơn rất nhiều đối với những biến động về kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Năm 2018, tôi cho rằng, sự hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo tôi có 3 lý do: Thứ nhất, sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô có sự thay đổi tích cực và rõ ràng. Thứ hai, công tác bán vốn nhà nước, trong đó điểm nhấn là tỷ lệ vốn bán ra đủ lớn sẽ tạo ra các giao dịch quy mô lớn và nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao. Thứ ba là, cơ hội, triển vọng về việc nâng hạng của TTCK Việt Nam - đối với nhà đầu tư nước ngoài thì đây là một cơ hội lớn.
Do vậy, theo tôi sự hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ được duy trì trong năm 2018 mà còn kéo dài sang cả năm 2019.