Hiệu quả của nền kinh tế ngày càng cải thiện
Nỗ lực cao nhất thực hiện nhiệm vụ | |
Điều hành CSTT góp phần quan trọng giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu | |
“Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” |
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm |
Năm 2017 đi những bước đầu tiên có vẻ nặng nề. Sự trì trệ cố hữu, mang nặng tính thời vụ như: chi ngân sách và thực hiện vốn đầu tư thấp; xây dựng nhà ở chậm; sản xuất nông nghiệp chưa tạo sản lượng lớn; đồng thời tâm lý “tháng ba là tháng ăn chơi” ảnh hưởng đến cả việc thực hiện thủ tục hành chính… Tăng trưởng quý I/2017 chỉ đạt 5,15%, thấp nhất trong vòng 3 năm gần nhất. Tại cuộc họp Chính phủ đầu tháng 4, nhiều thành viên tỏ ra lo lắng cho việc thực hiện mục tiêu 6,7% của cả năm.
Tuy nhiên, nền kinh tế như con tàu đã qua bước lấy đà, tăng tốc chạy băng băng suốt 3 quý tiếp theo, lần lượt qua các mốc tăng trưởng mới 6,28% tại quý II; 7,46% trong quý III; và chốt quý IV với mức tăng 7,65%. Kết quả là năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, lần đầu tiên sau nhiều năm vượt mục tiêu đề ra. Nhân tố nào thúc đẩy tăng trưởng trong các quý cuối năm? Trả lời câu hỏi này của phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết:
Tăng trưởng năm 2017 đạt kế hoạch đề ra là do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung điều hành, khắc phục khó khăn, thách thức, chủ động sáng tạo triển khai các nhiệm vụ giải pháp theo Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả là tăng trưởng GDP được cải thiện ở tất cả các lĩnh vực.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tốt hơn 2016 do các điều kiện đều tốt hơn; Khu vực công nghiệp và xây dựng phát triển mạnh mẽ và ngoạn mục nhờ góp sức của công nghiệp chế biến chế tạo. Trong khi đó, khu vực dịch vụ vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao trong năm 2017, do các ngành hoạt động từ ngân sách Nhà nước tiếp tục tăng trưởng ổn định (tăng lương, tăng giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục); tác động lớn của khách du lịch quốc tế. Riêng với du lịch, đóng góp trực tiếp của ngành này vào GDP tuy không lớn nhưng lan tỏa mạnh, ảnh hưởng đến các ngành thương mại, vận tải, khách sạn nhà hàng, ngân hàng, vui chơi giải trí…
Theo tôi, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam xét về mặt sản xuất là sản xuất theo định hướng xuất khẩu, xét về mặt sử dụng là tiêu dùng của hộ dân cư vẫn mạnh mẽ.
Tăng trưởng cao, nhưng chất lượng như thế nào nếu nhìn trên các chỉ tiêu về ICOR (hệ số đo lường hiệu quả đầu tư), TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp)… trong các năm gần đây, thưa ông?
Những năm gần đây, các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế đang dần được cải thiện và có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Hệ số ICOR có xu hướng giảm dần, cho thấy hiệu quả của nền kinh tế ngày càng được cải thiện. Nếu năm 2013, để tạo ra 1 đồng tăng thêm GDP cần 6,67 đồng vốn đầu tư, thì năm 2017 chỉ cần 6,1 đồng vốn đầu tư.
Với TFP, giai đoạn 2015-2017, đóng góp của TFP mỗi năm đều trên 40% cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011-2015 chỉ khoảng 33,58%. Tốc độ tăng năng suất lao động cũng có những chuyển biến tích cực trong giai đoạn 2015-2017, ổn định ở mức cao hơn so với thời kỳ 2010-2014 (năng suất lao động năm 2015 tăng 6,55%, năm 2016 tăng 5,29%, năm 2017 tăng 5,98%).
Việt Nam có tiềm năng và sức hấp dẫn lớn về thị trường bán lẻ |
Năm 2017, thâm hụt ngân sách được khống chế ở mức khá thấp so với GDP. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng lý do chính là vì dư địa cho chính sách này không còn. Vậy, đầu tư đóng góp thế nào vào tăng trưởng?
Thực trạng thu hút đầu tư trong những năm gần đây cho thấy Chính phủ đã không còn theo đuổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP của giai đoạn 2007-2011 từ 38,4% giảm xuống còn 31,9% giai đoạn 2012-2017. Kết quả là đóng góp TFP ngày càng được cải thiện, hệ số ICOR có xu hướng giảm như trên tôi đã đề cập. Đặc biệt, thay đổi chủ yếu do sự sụt giảm tỷ lệ vốn đầu tư từ nguồn đầu tư công, bao gồm nguồn từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước.
Trong khi đó, 2 nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư là đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng tăng thêm trên 2 điểm phần trăm trong giai đoạn 2012-2017.
Về hiệu quả của đầu tư, phân tích mối liên hệ giữa vốn đầu tư và tăng trưởng các quý từ 2012 đến 2017 cho thấy, nếu tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP thêm 1% thì sẽ làm kinh tế tăng trưởng thêm 0,24 điểm phần trăm. Còn nếu tỷ lệ vốn đầu tư công trên GDP tăng 1% thì chỉ có tác động làm tăng GDP thêm 0,1 điểm phần trăm.
Thuế là một nhân tố đóng góp vào tăng trưởng. Trong bối cảnh hội nhập, phải cắt giảm nhiều dòng thuế, nhưng đồng thời dư địa chính sách tài khóa lại hạn hẹp, chúng ta nên lựa chọn tăng thuế để đảm bảo chi đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, hay tiết chế chi ngân sách để hỗ trợ sản xuất?
Thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm trong những năm gần đây chiếm khoảng gần 10% GDP và có xu hướng giảm dần, do việc cắt giảm thuế. Theo chúng tôi, cắt giảm chi tiêu ngân sách sẽ có lợi hơn trong trung và dài hạn. Chính sách tài khóa (tăng thu ngân sách, đảm bảo tăng chi thường xuyên và chi đầu tư) thường có tác động đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Trong dài hạn, việc tăng thuế sẽ làm cho tăng trưởng GDP giảm và tăng giá các mặt hàng. Tính toán của Tổng cục Thống kê (dựa vào bảng cân đối liên ngành I/O) cho thấy nếu thuế VAT tăng từ 10% lên 12% sẽ làm tăng trưởng GDP giảm 0,5%, làm chỉ số giá sản xuất tăng 3,06%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,28%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn tới Nhà nước không nên tăng thuế mà rà soát, cắt giảm chi tiêu theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Nghĩa là, chi ngân sách Nhà nước cần phải được quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi đầu tư, tiết kiệm triệt để, chống lãng phí trong chi thường xuyên. Điều này có thể gây khó khăn trong ngắn hạn, nhưng có lợi trong dài hạn.
Với vĩ mô ổn định, tăng trưởng cải thiện, tâm lý tiêu dùng đang trở nên tích cực hơn. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tiêu dùng trong tăng trưởng kinh tế?
Tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tiêu dùng cuối cùng của dân cư. Năm 2017, tiêu dùng cuối cùng chiếm 74,51% GDP, đóng góp 5,52 điểm phần trăm tăng trưởng.
Hiện nay, Việt Nam có tiềm năng lớn và sức hấp dẫn về thị trường bán lẻ. Thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, dân số đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 60% tiêu dùng trẻ. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường trong nước.
Năm 2018, triển vọng kinh tế như thế nào nếu tính đến độ trễ của các chính sách (tiền tệ, tài khóa, cải cách hành chính…) trong bối cảnh hội nhập, thiên tai ngày càng nhiều và hậu quả nghiêm trọng hơn, nội tại nền kinh tế còn nhiều vấn đề?
Tuy nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với thế mạnh của mình, đó là hệ thống chính trị, tài chính tiền tệ tương đối ổn định, nhân khẩu trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng như sự phát triển mau chóng của thị trường tiêu dùng nội địa nhờ vào sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu, cùng với sự chỉ đạo điều hành sát sao của Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các DN, theo nhận định của Tổng cục Thống kê thì triển vọng của nền kinh tế Việt Nam sẽ là:
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế; chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành linh hoạt, đảm bảo cân đối tài chính, an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng; Chi tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam vẫn là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư vốn FDI, trong ngắn hạn khu vực kinh tế FDI vẫn có những đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hàng hóa, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Xin cảm ơn ông!