Thời cơ cho lớp doanh nhân mới
Trao giải thưởng doanh nhân trẻ xuất sắc TP. HCM 2016 | |
Gần 500 doanh nhân tham dự Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2016 |
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày nay đã và đang có đóng góp rất lớn đối với đất nước. Dẫn dắt các DN mở rộng sản xuất, hướng ra thị trường thế giới, họ góp phần rất đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề xã hội...
Tuy nhiên, trong 5 năm qua cộng đồng DN Việt Nam vẫn chật vật với những nỗ lực tái cấu trúc để tồn tại. Và cho đến nay, dường như vẫn chưa thực sự tìm được hướng đi thích hợp để có thể tạo ra những đột phá hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.
Cần ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 |
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016 diễn ra sáng 11/10, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, sau 30 năm đổi mới, các “đại gia” của Việt Nam chủ yếu hoạt động trong khu vực tài chính - ngân hàng và BĐS.
Trong khi đó trên bình diện chung, chúng ta chưa có một thế hệ các nhà công nghiệp với thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực. Tuyệt đại bộ phận DN Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; tính bài bản và chuyên nghiệp thấp, còn xa mới đạt tới các chuẩn mực phổ biến toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam đang rất vất vả trước hội nhập, đặc biệt trước tác động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra.
Dẫn một lý do cho hiện trạng buồn trên, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, vấn đề là vai trò của doanh nhân Việt Nam từ trước đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức. “Doanh nhân không được đánh giá đúng vai trò, hiện có vị trí rất thấp, bị nhìn bằng con mắt tiêu cực…”, TS. Huỳnh Thế Du nói.
Bổ sung cho quan điểm này, các ý kiến phát biểu tại diễn đàn cũng cho rằng, khi đánh giá về doanh nhân nên dựa trên lợi nhuận họ tạo ra cho bản thân và công ty mình, tạo ra nhiều công ăn việc cho người lao động và đóng góp vào ngân sách xã hội...
Một điểm cũng được nhiều chuyên gia phân tích, mổ xẻ đó là những thay đổi, yêu cầu mới đặt ra cho thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện nay. Do Chính phủ quyết tâm nâng tầm DN, thông qua việc xóa bỏ cơ chế bỏ xin cho, xây dựng môi trường kinh doanh ngày càng trở nên minh bạch và thuận lợi hơn để hình thành một chính phủ kiến tạo, thì cộng đồng DN cũng phải liêm chính, có sức cạnh tranh cao.
Thời các doanh nhân đi lên bằng quan hệ, không cần học hành và kinh doanh dựa trên khai thác tài nguyên đã qua. Giờ họ cần phải được đào tạo về quản trị, tập trung vào các giá trị cốt lõi, thúc đẩy sáng tạo, đề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, vươn tới chuẩn mực toàn cầu.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Đuống bổ sung, DN khi hội nhập phải hiểu rõ về luật kinh doanh của thế giới, nếu không sẽ phạm phải những sai lầm rất lớn. “Nếu không hiểu biết, DN sẽ phải trả giá rất đắt”, bà Liên cảnh báo.
Đồng tình với nhận xét trên, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, thế hệ các nhà công nghiệp mới rất cần ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay. Đồng thời, cũng phải nắm bắt được xu thế phát triển để tìm cơ hội, mà theo phân tích của ông thì dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghệ sẽ là những lĩnh vực phát triển quan trọng trong tương lai.
“Hiện nay Đảng và Chính phủ đang định hướng phát triển DN vào những lĩnh vực quan trọng này. Các DN cần nghiên cứu và lựa chọn cơ hội đầu tư…”, ông Lộc chia sẻ.
Hướng đến xây dựng và phát triển một cộng đồng DN liêm chính và có sức cạnh tranh cao, nhiều chuyên gia còn góp ý rằng, yêu cầu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải là định hướng của cả nền kinh tế, là yêu cầu sống còn. Khởi nghiệp không chỉ là thành lập DN mới, mà còn là tái cấu trúc các DN đang hoạt động; đổi mới sáng tạo sản phẩm, dịch vụ công nghệ, nghĩ khác, làm khác...
“Chúng ta đang đứng trước thách thức vô cùng to lớn. Đồng thời, những cơ hội cũng chưa bao giờ lớn như bây giờ, đó chính là làn sóng toàn cầu hóa. Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra chủ trương hoàn thiện cơ chế, thể chế thị trường theo chuẩn mực hàng đầu trên thế giới, Chúng ta đang tích cực xây dựng Chính phủ liêm chính và quyết tâm cải cách. Đây là một thời cơ cho cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam sẽ bứt phá, vượt lên”, ông Vũ Tiến Lộc nói.