Thời cơ chuyển nhượng dự án
Sôi động chuyển nhượng tài sản | |
Chuyển nhượng dự án trong khu công nghiệp |
Ngày 15/8, Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (NQ 42) chính thức có hiệu lực. Quan sát diễn biến trên thị trường, nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện các DN bất động sản nhận định, thời gian tới hoạt động mua bán, chuyển nhượng các dự án đang thực hiện dang dở sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Từ đó khiến cho thị trường bất động sản “hồi sinh” hàng loạt các dự án đang vướng nợ xấu tại các NHTM.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng thực tế hiện nay, nút thắt lớn nhất trong việc chuyển nhượng các dự án bất động sản dang dở là cả Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản đều không cho phép các nhà đầu tư chuyển nhượng các dự án khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, nhiều dự án vướng nợ xấu không sang tên đổi chủ để tiếp tục thi công được. Tuy nhiên, hiện nay NQ 42 đã mở ra cơ chế cho phép xử lý tài sản đảm bảo nợ xấu là dự án bất động sản chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, đây sẽ là cơ sở để Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan.
Phân tích kỹ hơn, chuyên gia tài chính - luật sư Bùi Đức Giang cho rằng, NQ 42 không quy định dự án bất động sản thế chấp bắt buộc phải là dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nên những dự án khác như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà máy, công trình thủy điện… cũng có thể được xử lý bằng cách mua bán, chuyển nhượng. Ngoài ra, NQ 42 cũng cho phép các tổ chức, cá nhân mua lại các dự án bất động sản là tài sản đảm bảo nợ xấu được kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án. Do vậy, việc mua bán, chuyển nhượng và tái khởi động các dự án sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.
Thực tế cho thấy, tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2013 đến nay nhờ sự phục hồi tương đối tốt của thị trường bất động sản, hoạt động mua bán, chuyển nhượng các dự án có liên quan đến nợ xấu đã khá sôi động. Một số nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh như Tập đoàn Nova, Hưng Thịnh đã mua lại hàng chục dự án vướng nợ phải ngưng thi công, như: dự án Nam Rạch Chiếc, Lakeview City (quận 2), Western Plaza (Bình Chánh)…
Trong khi đó, mới đây chính quyền TP. Hồ Chí Minh cũng đã cương quyết làm việc với các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án bất động sản lớn đang vướng nợ xấu ngân hàng, như: dự án cao ốc Saigon One (quận 1), DB Tower (quận Bình Thạnh), Kenton Residences (quận 7)… Hiện các NHTM như BIDV, VietinBank cũng đã đánh tiếng chủ động tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng và tiếp tục xây dựng các công trình kể trên. Vì thế, trong thời gian tới rất có thể sẽ có thêm những cuộc mua bán, chuyển nhượng lớn trên thị trường bất động sản nhằm sang nhượng các dự án tại các khu vực “đất vàng” tại TP. Hồ Chí Minh.
Đồng tình với những nhận định trên, tuy nhiên đại diện bộ phận thu nợ của một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng cơ chế cho phép chuyển nhượng các dự án bất động sản là tài sản đảm bảo nợ có thể sẽ áp dụng được với các dự án nhà ở, trung tâm thương mại đang xây dựng dang dở. Tuy nhiên, sẽ khó áp dụng cho các trường hợp tài sản thế chấp là các nhà xưởng hoặc các dự án đã hoàn thiện và đang khai thác.
Bởi nếu thu giữ và xử lý các tài sản này sẽ liên quan đến những vấn đề khá phức tạp, chẳng hạn như thu xếp công ăn việc làm cho công nhân, giải quyết tranh chấp giữa các bên thứ 3 có quyền lợi trong tài sản đảm bảo. Những trường hợp này, nếu chỉ cần các bên liên quan khởi kiện ra tòa thì quá trình thụ lý và thi hành án sẽ kéo dài thêm. Từ đó, các TCTD sẽ khó có thể được bàn giao tài sản đảm bảo để thực hiện mua bán, chuyển nhượng theo các quy định của NQ 42.