Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Doanh nghiệp còn hoài nghi
“Tôi nói thật, tâm trạng của DN là hoài nghi”, Võ Minh Khải, Tổng giám đốc CTCP TM & SX Viễn Phú - DN nuôi trồng, sản xuất và cung cấp chuỗi thực phẩm hữu cơ HoaSuaFoods - tỏ ra tâm tư khi đề cập đến tương lai nông nghiệp Việt Nam. Thực trạng làm nhiều lãi ít đang làm cho người nông dân và cả DN đầu tư vào ngành này chán nản. Tương lai yếu thế trước các đối thủ nước ngoài, khi TPP, AEC… đi vào thực hiện hoàn toàn, càng làm lo lắng dấy lên cao.
Mô hình trồng rau hữu cơ của Viễn Phú |
Sinh kế 10 triệu hộ bị đe dọa
Bức tranh nông nghiệp Việt Nam đang điểm thêm nhiều gam màu xám và tối. Xuất khẩu gạo nhiều nhưng giá trị thấp, thậm chí người trồng và DN có thể chịu lỗ, hiện tượng bỏ ruộng đã ngày một nhiều hơn. Người chăn nuôi cũng trong cảnh thấp thỏm lo hội nhập, khi thực phẩm nhập khẩu đang chèn đàn lợn, con gà... Sữa cũng đã có lúc phải đổ bỏ. Thuỷ sản đang đứng trước các rào cản phi thuế, lúc này lúc khác đã có cảnh ao đầm bỏ không…
Bàn về giải pháp, TS. Vũ Trọng Khải, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, phải giải quyết một loạt bất cập và mâu thuẫn kéo dài trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đó là: được mùa rớt giá, thiếu vốn, nông dân thu nhập thấp, đầu ra bấp bênh, quy mô sản xuất nhỏ lẻ manh mún, sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng lại không biết nhu cầu thị trường, năng suất tăng liên tục nhưng giá trị gia tăng thấp, thu nhập tăng rất chậm...
Nhiều nhà khoa học khuyến cáo, để giải quyết các vấn đề của ngành nông nghiệp hiện nay thì cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hoá, hình thành chuỗi sản xuất… Nhưng để làm được điều đó đòi hỏi phải nâng sản xuất lên quy mô lớn; hình thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị với sự tham gia của DN. Trong khi, xác suất rủi ro với sản xuất nông nghiệp khá cao bởi phụ thuộc thiên nhiên, vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi chậm, chính sách với DN lại bất cập…
“Nhà đầu tư không muốn mạo hiểm để đương đầu với thử thách quá lớn. Vì thế nên có mấy DN đầu tư đâu”, Giám đốc Khải nói.
Trên thực tế, nhiều năm nay, Chính phủ đã kêu gọi đầu tư cho nông nghiệp, nhưng số DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ là 1% số DN cả nước. Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã thu hút được 17 DN đầu tư vào nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, một số mô hình trồng lúa phát huy hiệu quả, nhưng việc thu hút DN “còn ít lắm”.
“Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện nay, nếu không nhanh chóng tái cơ cấu thì nông nghiệp có thể sẽ thua ngay trên sân nhà, thất bại ngay cả ở những lĩnh vực mà ta vẫn nghĩ là có lợi thế so sánh”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh như vậy. Ông kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân, áp dụng tiến bộ công nghệ... Bởi nếu không có người giúp nông dân liên kết lại thì 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi mãi yếu thế và sinh kế sẽ bị đe dọa.
Lôi kéo DN nửa vời
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS.Trần Đình Thiên: muốn đưa ngành nông nghiệp đi lên, phải có tư duy mới, phải lấy DN là đầu tàu và hợp tác xã là cầu nối giữa nông dân và DN. Nhưng thực tế thì DN đang rất nản với các chính sách thu hút DN vào nông nghiệp hiện nay. “Tôi nghiên cứu chính sách kỹ lắm. Và đã nhiều năm làm xuất khẩu gạo ở một DNNN, tôi thấy cứ sản xuất, xuất khẩu gạo thế này rất không ổn”, ông Khải nói.
Ít năm trước, Viễn Phú đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học nông sản hữu cơ quy mô lớn và chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ chuyên cung cấp gạo, rau, nông phẩm hữu cơ sạch theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu.
Ông Khải đã về vùng hoang hoá đầm lầy ở U Minh Thượng liên kết với nông dân, biến hơn 300 ha đầm lầy nơi đó thành nơi sản xuất hữu cơ quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến. Gạo hữu cơ ra đời, khách nhập khẩu đã có nhưng ông đang “kẹt” và nếu chính sách không đổi thì “không trụ nổi”. Sản xuất gạo hữu cơ, có người đặt hàng nhưng Viễn Phú không được xuất khẩu.
Với hướng đầu tư của ông Khải đang làm, Viễn Phú đáng lẽ thuộc loại DN được nhận chính sách ưu tiên vì đầu tư vào vùng sâu vùng xa, DN đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, DNNVV… Nhưng như ông nói, “không có chi hết”, vì chính sách ưu tiên DN thì nhiều nhưng chỉ là trên giấy.
Viễn Phú chỉ kho chứa 2.000 tấn và nhà máy xay xát công suất 2,5 tấn/giờ. Trong khi Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn và một cơ sở xay xát thóc công suất tối thiểu 10 tấn/giờ.
Với giai đoạn đầu tư ban đầu của Viễn Phú thì yêu cầu này là quá cao. Hơn nữa gạo hữu cơ xuất khẩu chưa nhiều nên đầu tư cơ sở xay xát như Nghị định 109 là dư thừa công suất. Chạy vạy mãi ông cũng xuất khẩu được bằng cách “xin được DN khác cho xuất khẩu uỷ thác”.
Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc một DN đã mang vốn sang đầu tư sản xuất nông nghiệp ở nước ngoài cho biết thêm, ở trong nước muốn làm quy mô lớn, DN phải trả ít nhất hai lần tiền để có đất: DN phải mua hoặc thuê lại đất từ nông dân, nhưng phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước.
Trong khi đó, đầu tư vào các khu công nghiệp chỉ trả một lần, lại có cơ sở hạ tầng đi kèm. Và với những vướng mắc trong nước nhiều doanh nhân đã không đầu tư nổi với nông nghiệp, không liên kết được với nông dân trong nước mà ra nước ngoài thuê đất, thuê nông dân sản xuất nông sản. “Nếu cơ chế này, không chỉ người nông dân thua thiệt mà cả đất nước đang mất mát”, Giám đốc Khải bức xúc bổ sung.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), TS. Đặng Kim Sơn, hiện nay là cơ hội để ngành nông nghiệp thu hút các DN đầu tư. Nhưng muốn DN đầu tư, Nhà nước điều chỉnh chính sách đầu tư, khuyến khích và thúc đẩy đầu tư nhiều hơn nữa.
Còn TS. Vũ Trọng Khải nói: “Không cần bày thêm chính sách nữa đâu. Càng bày càng thêm rối. Chính sách đã ban hành nhiều lắm rồi, đủ lắm rồi. Giờ là lúc phải rà soát lại xem chính sách nào không phù hợp thì loại bỏ, chính sách nào tốt mà không thực hiện được phải quy trách nhiệm. Có thế mới tái cơ cấu được ngành nông nghiệp, mới hút được DN đầu tư để cùng đưa nông nghiệp lên sản xuất cao”.