Thu hút FDI: Lạc quan từ đối tác chiến lược
Thu hút FDI có kịp “chạy nước rút”? | |
Vốn FDI giải ngân tăng 8,3%, đạt 14,3 tỷ USD trong 11 tháng | |
Thu hút FDI cần thực chất hơn |
Sự vắng bóng của các dự án tỷ đô đã khiến số vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong năm 2016 không đạt kế hoạch đã đặt ra. Điều này đã được ghi nhận trong báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Theo đó trong năm 2016, nếu xét về số lượng thì dự án cấp mới và tăng vốn vẫn tăng mạnh so với năm 2015.
Tuy nhiên số vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2015 do trong năm 2016 không có nhiều dự án quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cụ thể là cả năm chỉ có Dự án LG Display Hải Phòng có quy mô 1,5 tỷ USD do LG Display, Hàn Quốc đầu tư. Trong khi năm 2015 chỉ tính riêng các dự án quy mô trên 1 tỷ USD đã đóng góp tới 7,6 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Vốn FDI cấp mới và tăng thêm sụt giảm trong năm vừa qua do vắng các dự án lớn, theo các chuyên gia không hẳn là điều đáng ngại. GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, khi đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2016, cần đặt trong bối cảnh khu vực các nước ASEAN.
“Có lẽ cái chúng ta muốn thì rất nhiều, nếu so với các nước ASEAN cũng có khó khăn, phải đối phó nhiều thách thức, thì tăng trưởng, ổn định vĩ mô của ta vẫn được đánh giá tích cực”, ông Mại nói. Riêng về thu hút FDI năm nay, dù chúng ta kỳ vọng nhiều nhưng không chuyển biến được bao nhiêu. Song cần nhìn rộng ra, sự rút vốn của NĐT nước ngoài cũng diễn ra ở nhiều quốc gia ASEAN.
Đồng thời theo GS-TS. Nguyễn Mại, các NĐT lớn đã vào Việt Nam vẫn có nhu cầu mở rộng đầu tư. Việc giữ chân các NĐT này mới là điều cần chú ý với quản lý FDI thời gian tới. Hiện nay dòng vốn FDI vào Việt Nam đã dần định hình với các ngành sản xuất cụ thể, gắn với các đối tác chiến lược được xác định là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan… cùng với nhiều đối tác triển vọng khác. Các chuyên gia cho rằng việc các đối tác chiến lược này tiếp tục mở rộng đầu tư sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
TS. Nguyễn Mại nhận định, với các NĐT đã vào Việt Nam, việc mở rộng đầu tư sẽ có khó khăn trong ngắn hạn. “Có thể năm 2017, những dự án muốn làm thêm của Samsung, hay Lotte làm thêm dự án tại TP. Hồ Chí Minh, hay LG cũng có ý định làm thêm dự án, thì trước mắt chắc là khó khăn”, ông Mại nói.
Nhưng về lâu dài, ông dự báo, Hàn Quốc và Nhật Bản thuộc nhóm những nước quan hệ tốt nhất với Việt Nam cả về chính trị lẫn kinh tế. Và chúng ta cũng biết Hàn Quốc và Nhật Bản quan tâm nhất đến vai trò cường quốc thứ 2 thế giới là Trung Quốc tại châu Á, vì vậy họ cũng muốn hợp tác với các nước có tiềm lực về kinh tế, về nhân lực chất lượng cao như Việt Nam.
Họ muốn hợp tác để thúc đẩy Việt Nam mạnh lên và rất nhiều nước phát triển mạnh lên thì sẽ giảm chênh lệch giữa các nước, cân bằng trong khu vực sẽ trở nên ổn định hơn. Điều này nhằm đối phó những thách thức với cường quốc thứ 2 dễ dàng hơn cho từng quốc gia cũng như cho tất cả các nước nhỏ hơn Trung Quốc.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhấn mạnh về vai trò của Hàn Quốc và nêu lên kỳ vọng với việc tiếp tục thu hút vốn từ đối tác chiến lược này. Theo ông Hoàng, Hàn Quốc hiện là NĐT nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20/12/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt trên 50,7 tỷ USD (chiếm 17,3% tổng số vốn), với 5.747 dự án đầu tư còn hiệu lực.
DN FDI Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam khi tạo ra việc làm cho 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Các DN Hàn Quốc làm ăn khá bài bản ở Việt Nam và được đánh giá là các NĐT làm ăn nghiêm túc, có hiệu quả cao và cũng có nhiều đóng góp cho Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cũng chia sẻ, hiện nay Cục Đầu tư nước ngoài mong muốn DN Hàn Quốc tiếp tục đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, điện, điện tử, công nghệ thông tin, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo, y tế và phát triển hạ tầng...
Bên cạnh NĐT Hàn Quốc, Nhật Bản cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay NĐT này đang đứng ở vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng thu hút FDI, với tổng số vốn luỹ kế khoảng 42,05 tỷ USD, tương ứng với 3.300 dự án. Cùng với 2 NĐT này, ở khu vực châu Á hiện nay còn có Singapore và Đài Loan đang giữ vị trí thứ 3 và thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Điều này là khá phù hợp với định hướng thu hút đối tác chiến lược của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số đối tác như Hoa Kỳ, châu Âu, đều là các đối tác hàng đầu mà Việt Nam muốn và cần thu hút đầu tư, song hiện các NĐT này lại chưa rót vốn mạnh như kỳ vọng của cơ quan quản lý.