Vốn FDI giải ngân tăng 8,3%, đạt 14,3 tỷ USD trong 11 tháng
Hút vốn ngoại vào khu công nghiệp | |
FDI và những động thái từ nước Mỹ | |
Cấp thiết quản dự án “treo” tỷ đô |
Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tính từ đầu năm đến hết ngày 20/11/2016, trên địa bàn cả nước có 2.240 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 13,03 tỷ USD, tăng 20,8% về số dự án song lại giảm 3,9% về vốn so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, còn có 1.075 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 5,7 tỷ USD; tăng 55,3% về số dự án song lại giảm 23,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Tính chung cả vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, trong 11 tháng năm 2016, cả nước đã thu hút được hơn 18,1 tỷ USD vốn FDI, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lượng vốn thực hiện trong 11 tháng qua đạt tới 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Công nghiệp chế biên chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư nước ngoài trong 11 tháng qua với 907 dự án được cấp phép mới và 766 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt gần 13,42 tỷ USD. Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 740,93 triệu USD. Xếp thứ ba là lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với 684,85 triệu USD.
Trong 11 tháng qua, cả nước có 54 tỉnh, thành phố có dự án FDI được cấp phép mới và tăng vốn. Trong đó Hải Phòng đang dẫn đầu với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 2,74 tỷ USD; tiếp đến là Bình Dương với 1,93 tỷ USD; Đồng Nai 1,87 tỷ USD; Hà Nội 1,84 tỷ USD; TP.HCM 1,32 tỷ USD…
Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới và tăng vốn tại Việt Nam 11 tháng năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt gần 5,29 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với gần 2,05 tỷ USD. Nhật Bản xếp thứ 3 với 1,95 tỷ USD…
Về hoạt động của khu vực FDI, theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, trong 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực này đạt gần 114,08 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đạt gần 111,98 tỷ USD, tăng 10,3%.
Trong khi kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI trong 11 tháng qua đạt 92,83 tỷ USD, tăng 3,6%.