Thu hút FDI: Lo nội tại hơn ngoại lực
Sau khi bước qua ngưỡng cửa hội nhập WTO vào năm 2007, dòng vốn FDI đã bắt đầu thời kỳ tăng trưởng cao. Số vốn thu hút ngay lập tức tăng vọt từ mức 15 tỷ USD của năm 2006 lên hơn 21 tỷ USD. Và ngay sau đó, năm 2008, vốn FDI đạt 71 tỷ USD, thiết lập kỷ lục chưa từng được phá vỡ. Tuy nhiên sự hứng khởi quá đà này đã để lại nhiều hệ luỵ về sau. Tới nay sau 10 năm, trước một cơ hội lớn khác để hội nhập sâu rộng hơn, thì “nốt trầm” trong “bản nhạc” FDI có lẽ lại là dấu hiệu tích cực để chúng ta tự nhìn lại chính mình.
Điểm sáng
Trước hết cần khẳng định rằng, vốn FDI chững lại là do sự chủ động của cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định và cấp phép dự án. Xu hướng này cũng không nằm ngoài dự báo. Bởi giai đoạn 2014-2015 vừa qua, dù đứng trước triển vọng thuận lợi của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng khác, song lượng vốn vào không có hiện tượng nhảy vọt đột biến như trước.
Vì vậy tới năm 2016, vốn FDI đăng ký những tháng cuối năm bị sụt giảm, là do thực hiện định hướng không thu hút FDI bằng mọi giá nên một số dự án có quy mô lớn cỡ “tỷ đô” không bị hối thúc trình duyệt, thẩm định, cấp phép nhanh để chạy nước rút. Mặt khác, cần nhìn nhận một điểm sáng là vốn FDI giải ngân không những đạt và vượt các con số của năm 2015, mà còn vượt cả mục tiêu đặt ra cho năm 2016. Cụ thể, vốn FDI ước thực hiện cả năm khoảng 15,8 tỷ USD, tăng khoảng 9% so với năm 2015 và đạt mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Nhìn lại quá trình thu hút vốn FDI cả năm 2016, có thể thấy có ít dự án đầu tư quy mô lớn được cấp phép so với năm trước. Tuy nhiên điểm tích cực là dự án có quy mô lớn trong năm 2016 đã được lựa chọn một cách khoa học, chặt chẽ hơn. Điển hình là dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã được Quốc hội đồng thuận, nhất trí cao việc không tiếp tục thực hiện; hay sự không vội vã đối với các dự án nhiệt điện thực hiện theo hình thức BOT có vốn đăng ký gần 3 tỷ USD.
FDI 2016 vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực được thu hút, cấp phép nhiều nhất trong năm, chiếm trên 70% tổng vốn FDI đăng ký trong năm. Bên cạnh đó, tâm điểm dự án vốn lớn cũng vẫn rơi vào lĩnh vực này. Dự án quy mô tỷ đô duy nhất trong năm là của LG Display, vốn đăng ký 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng. Tiếp đến là một số dự án khác có quy mô vài trăm triệu USD đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, như dự án nhà máy LG Innotek, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD…
FDI cũng đã có các xu hướng đầu tư mới đáng khích lệ như tiếp nhận sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam trong dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu. Chẳng hạn Công ty 4P của nhà đầu tư Việt Nam sản xuất bản mạch điện tử đã tham gia vào dây chuyền sản xuất của LG Display Hải Phòng. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã triển khai hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mà điển hình là Trung tâm R&D về điện, điện tử, viễn thông công nghệ cao tại Hà Nội của Samsung. Xu hướng khác là đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng sạch, như dự án nhà máy điện gió tại Trà Vinh…
Thu hút và sử dụng FDI để phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới là đòi hỏi bắt buộc đối với công tác quản lý nhà nước về FDI. |
Mảng tối
Bên cạnh những thành tích nêu trên, không thể không đề cập đến một số hiện tượng mới và những hạn chế, tồn tại của FDI nhiều năm qua chưa khắc phục được. Hiện tượng mới đáng lưu ý là các dự án cấp mới có quy mô vốn nhỏ, thậm chí dưới 1 triệu USD tái xuất hiện như giai đoạn đầu mở cửa thu hút FDI gần 30 năm trước. Theo số liệu quan sát ban đầu từ các địa phương, số dự án cấp mới loại này chiếm tới trên 60%. Hiện tượng này đòi hỏi phải có nghiên cứu đánh giá tác động đối với hiệu quả của FDI trong giai đoạn tới.
Vấn đề môi trường không phải là hiện tượng mới, nhưng qua bài học Formosa, cần được coi như một bài học đắt giá mới để có giải pháp khắc phục toàn diện, vì vẫn còn nhiều dự án có công nghệ thấp, tiêu thụ năng lượng lớn, trong khi việc kiểm soát môi trường còn nhiều kẽ hở, công tác quản lý nhà nước về FDI còn nhiều bất cập. Cần lưu ý rằng tỷ lệ các dự án có yếu tố người Hoa với công nghệ thấp, tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường (như Vedan trước đây, Formosa hiện nay) cũng rất cao.
Ngoài ra, vẫn còn đó hàng loạt các tồn tại hạn chế không mới nhưng chưa thể khắc phục được ngay. FDI tuy vẫn tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng lại chủ yếu vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp; công nghiệp hỗ trợ còn yếu; hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết giữa FDI với khu vực trong nước chưa cao; mục tiêu thu hút công nghệ nguồn, công nghệ cao mới đạt ở mức thấp… Những bất cập này khó có thể cải thiện được vì tỷ lệ hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài quá cao, chiếm tới 80% tổng số doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam.
Trong khi đó, tình hình đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn về chỗ ở, vệ sinh an toàn thực phẩm, giờ công và tiền lương; hệ thống luật pháp chính sách về đầu tư-kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục cần hoàn thiện đồng bộ…
Và cơ hội để nhìn lại chính mình
Bước vào năm 2017, thu hút FDI đứng trước các cơ hội và thách thức đan xen. Dòng vốn FDI toàn cầu vẫn có xu hướng chuyển dịch sang các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt vào khu vực châu Á với xu hướng “Trung Quốc +1”, “Thái Lan +1” đang diễn ra ngày càng mạnh. Trong đó Việt Nam là điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất với các lợi thế hiện có như ổn định chính trị - xã hội, kinh tế tăng trưởng, hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới…
Việt Nam là thành viên tích cực của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), vì vậy trong mắt các nhà đầu tư, khi rót vốn vào Việt Nam là đã đầu tư vào thị trường chung AEC, được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của khối.
Tuy nhiên, lợi ích về thu hút FDI thông qua các FTA mà Việt Nam đã ký kết và tham gia cũng chưa thật rõ và chưa có gì nổi bật trong năm 2016. Cần có thêm thời gian để tác động tích cực từ các FTA hiển thị rõ nét. Sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2016 vừa qua, TPP nhiều khả năng sẽ bị bãi bỏ hoặc thay đổi, dù muốn hay không cũng có tác động đến dòng vốn FDI luân chuyển giữa 12 nước thành viên. Chưa kể cùng lúc này, chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng quay trở lại như cảnh báo của Chính phủ, cũng sẽ khiến tác động của hội nhập đối với thu hút FDI ít nhiều giảm sút.
Tuy nhiên trước tình thế “trục trặc” của hội nhập, chúng ta nên coi là cơ hội để tự nhìn lại chính mình. Các kết quả và bài học về quản lý FDI 2016, nhất là bài học về Formosa, đủ để Việt Nam đánh giá lại toàn diện các vấn đề về ảnh hưởng của FDI đối với đất nước, không chỉ đơn thuần từ góc độ cần bổ sung nguồn vốn ngoại cho đầu tư và phát triển, mà cả những vấn đề về môi trường, về dân sinh… cũng cần được tính đến. Thu hút và sử dụng FDI để phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới là đòi hỏi bắt buộc đối với công tác quản lý nhà nước về FDI.
Vì vậy, việc tiến hành tổng rà soát tình hình các dự án đã được cấp phép, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI trên từng địa bàn, trong từng ngành, lĩnh vực cần được coi là nhiệm vụ chính của công tác quản lý nhà nước về FDI trong 2017, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách thu hút, quản lý FDI. Việc kiên định nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá, chọn lựa đúng nhà đầu tư, đúng dự án đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước cũng là đòi hỏi bắt buộc đối với công tác quản lý nhà nước về FDI trong năm 2017 và các năm sau.
Thu hút và sử dụng FDI để phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới là đòi hỏi bắt buộc đối với công tác quản lý nhà nước về FDI.