Tạo điều kiện tối đa cho FDI
Năm 2015 Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cải cách đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế như WTO, AEC, TPP… Đây là những bước ngoặt cải cách để các DN niêm yết của Việt Nam góp mặt trong chỉ số MSCI về các thị trường mới nổi, vốn đang thu hút 1.400 tỷ USD dòng đầu tư toàn cầu.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng năm 2016 Việt Nam có triển vọng thu hút dòng vốn ngoại tăng từ 15-20%.
Các NHTM đang có những chính sách hỗ trợ tích cực cho DN đầu tư có vốn nước ngoài |
Tuy nhiên trong một lần gặp mặt các NĐT nước ngoài tại Diễn đàn 20 năm quan hệ Việt – Mỹ một số ý kiến cho rằng, chính sách thu hút đầu tư vốn ngoại của Việt Nam còn nhiều vướng mắc. Trong đó, Luật sư Hà Đăng Quảng (Công ty Luật Việt) cho biết nhiều hồ sơ đầu tư nước ngoài do đơn vị này tư vấn cho việc tăng vốn và chuyển đầu tư mới chưa thể thực hiện.
Hiện có ít nhất 3 hồ sơ của NĐT nước ngoài ở Công ty Luật Việt đang còn nằm chờ vì vướng chồng chéo ở thủ tục. Trong đó, nổi lên là sự việc chuyển vốn vào NH không được chấp thuận.
Theo ông Quảng, quy định một DN ngoại muốn tăng tỷ lệ sở hữu đầu tư tại một DN trong nước phải chuyển đổi giấy đăng ký tại Sở KH&ĐT địa phương, sau đó nộp tiền vào NH để hoạt động. Nhưng nhiều Sở KH&ĐT lại đòi DN chuyển vốn vào NH mới chuyển vốn hoặc đăng ký đầu tư nhằm hạn chế vốn đầu tư “ảo”.
Ngược lại, NH theo quy định phải có giấy chuyển vốn từ Sở KH&ĐT mới cho phép DN chuyển vốn để hợp thức hoá nguồn tiền rút ra, nhằm hạn chế nạn rửa tiền. Điều đáng nói là mỗi địa phương làm mỗi kiểu nên NĐT ngoại cho rằng các NHTM cố tình làm khó. Cụ thể: cùng một sự việc NĐT nước ngoài có thể chuyển tiền đơn giản tại các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, nhưng họ lại không thể thực hiện được ở TP.HCM.
Trao đổi với lãnh đạo một NHTM mới vỡ lẽ cả DN và NH chưa có tiếng nói chung. Một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM chia sẻ, thực tế Thông tư số 19/2014/TT-NHNN ban hành ngày 11/8/2014 của NHNN hướng dẫn cụ thể về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Thông tư quy định cụ thể về góp vốn đầu tư, mở tài khoản và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ và bằng đồng Việt Nam; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu trực tiếp ra nước ngoài; chuyển vốn cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư; thực hiện đầu tư trực tiếp dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần; quyền và nghĩa vụ của TCTD được phép, DN có vốn FDI và NĐT nước ngoài.
Đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm người cư trú là DN có vốn FDI; Người không cư trú tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Người không cư trú là NĐT nước ngoài trong DN có vốn FDI; Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động FDI tại Việt Nam.
Về quyền, nghĩa vụ của DN có vốn FDI và NĐT nước ngoài, đối tượng này được chuyển ra nước ngoài vốn đầu tư trực tiếp khi giải thể, chấm dứt hoạt động của DN có vốn FDI, giảm vốn đầu tư hoặc kết thúc, thanh lý, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư, tiền gốc, lãi và chi phí vay nước ngoài, lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, trừ một số trường hợp quy định trong Thông tư này.
Rõ ràng, trong quy định đã nêu chi tiết quyền và nghĩa vụ của NĐT nước ngoài khi tham gia vào Việt Nam. Còn đối với những vướng mắc về thủ tục rườm rà chồng chéo mà DN nêu ở trên, thực tế các NHTM tại TP.HCM đang làm theo quy định của UBND TP.HCM đặt ra về xem xét nguồn vốn đầu tư vào TP.HCM thực chất chứ không phải nguồn vốn ảo. Ngoài ra, để hạn chế được nạn rửa tiền, tham nhũng, buôn lậu… các NHTM trong nước phải rất thận trọng với những khoản đầu tư không rõ ràng.
Đây cũng là quy định theo từng địa phương chứ không áp dụng chung cho tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Vì vậy, việc NHTM hoạt động trên địa bàn nào, sẽ làm theo hướng dẫn của UBND của khu vực đó. Hiện tại, các NHTM tại TP.HCM cũng đang để xuất lên UBND TP.HCM những giải pháp tốt nhất để hỗ trợ DN.
Theo đó, NH sẽ cho DN chuyển vốn vào NH nhưng NH sẽ chỉ viết giấy ủy nhiệm chi, phong tỏa toàn bộ tài khoản chuyển vào tại NH. Theo đó, DN có thể cầm giấy ủy nhiệm chi của NH lên Sở KH&ĐT trình bày để làm thủ tục thay đổi vốn. Sau khi hoàn tất thủ tục tại Sở, DN cầm giấy thay đổi đó về bổ sung hồ sơ tại NHTM và có thể rút vốn ra để hoạt động kinh doanh như bình thường.
“Không có chuyện NHTM làm khó DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”, vị lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM chia sẻ.
Còn lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương chia sẻ, hiện nay tỉnh này đang thu hút vốn FDI nên UBND tỉnh cũng tạo điều kiện tối đa cho NĐT. Theo đó, tỉnh sẽ kiểm soát lượng vốn theo số liệu đăng ký trước, sau đó mới đến số liệu giải ngân.
Vì vậy, các NHTM có thể cho phép DN chuyển vốn trước rồi đăng ký thay đổi tại Sở. Tuy nhiên, các NHTM cũng khẳng định trong thời gian chưa hoàn tất hồ sơ họ vẫn phong tỏa vốn của DN. Do vậy, mọi quy trình đăng ký hay chuyển vốn mà NHTM trên địa bàn thực hiện phù hợp với quy định do UBND tỉnh đề ra.
Từ đây, có thể thấy, các NHTM đang có những chính sách hỗ trợ tích cực cho DN đầu tư có vốn nước ngoài. Có điều, mọi thông tin chưa được công khai rộng rãi nên mới xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, các NHNN các tỉnh thành cho biết, sẽ giải quyết từng sự vụ để DN yên tâm rót vốn về nước đầu tư.