Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý dứt điểm các vụ án liên quan đến tài sản đảm bảo
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,83% so với tháng trước, tăng 4% so với tháng 12/2015. Nguyên nhân chủ yếu do giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 10,07% do 15 địa phương tăng giá dịch vụ y tế; nhóm giao thông tăng 2,02% do giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng 2 lần.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về tiền tệ tín dụng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dư nợ tín dụng 10 tháng tăng trên 12,5%; mặt bằng lãi suất giảm; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các chỉ số khác cũng được Thủ tướng liệt kê như: Xuất khẩu tăng 7,2%, cả năm ước tăng khoảng 8%. Vốn FDI thực hiện tăng 7,6%. Thu ngân sách Nhà nước tăng 6,1%. Công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh, tăng 10,7%. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; sản lượng thủy sản tăng 2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3%. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng. Trên 91,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng về vốn đăng ký; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 38,8%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm 28,8%. Tạo việc làm cho trên 1,34 triệu lao động. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.
Về vấn đề nợ công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là vấn đề hệ trọng đối với kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, được nhiều vị đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Có nhiều ý kiến cho rằng nợ công tăng nhanh, nếu tính đầy đủ đã vượt trần cho phép.
Thời gian tới, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, tập trung rà soát các dự án sử dụng vốn vay, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn, giảm thiểu rủi ro. Rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, Luật quản lý nợ công, Chiến lược và Chương trình quản lý nợ công trung hạn. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và công khai các thông tin về nợ công. Chính phủ có trách nhiệm tính toán đầy đủ và báo cáo Quốc hội các giải pháp căn cơ, khả thi.
“Vấn đề nợ xấu là vấn đề rất quan trọng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Như ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội, nợ xấu còn cao, xử lý chưa thực chất và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề và ông cũng khẳng định: Khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ, nhất là về xử lý tài sản đảm bảo; năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) còn hạn chế, tỷ lệ nợ xấu được xử lý qua VAMC rất thấp; thị trường mua bán nợ chưa phát triển...
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tập trung thu hồi nợ, thu giữ, định giá, phát mại tài sản; cải cách thủ tục tố tụng, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo; tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực cho VAMC; phát triển thị trường mua bán nợ.
Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Tăng cường hiệu lực hiệu quả thanh tra, giám sát, xử lý căn bản tình trạng sở hữu chéo của các tổ chức tín dụng. Khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại đã mua lại 0 đồng và giám sát đặc biệt trên nguyên tắc phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro và an toàn hệ thống.