Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
5 nhóm giải pháp đẩy nhanh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công | |
Xây dựng nông thôn mới vấp vốn đầu tư công giải ngân chậm | |
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công |
Để có nguồn vốn cho đầu tư công, ngân sách nhà nước phải huy động vốn từ nguồn vay nước ngoài và vay trong nước. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến tháng 9/2017, nợ của Chính phủ Việt Nam lên đến 94,3 tỷ USD, trong đó vay nước ngoài 39,6 tỷ. Chính phủ bảo lãnh gần 21 tỷ USD, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài là 11,3 tỷ USD. Như vậy, nợ Chính phủ đã gần ngưỡng an toàn 65% GDP.
Để giảm áp lực tăng nợ công, vấn đề quan trọng là phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho đầu tư công. Việc sử dụng các nguồn vốn vay không đạt hiệu quả sẽ biến Việt Nam thành những quốc gia có tỷ lệ nợ công tăng nhanh nhất.
Có nhiều tiêu chí để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, song giải ngân đầu tư công chậm có thể xem là một biểu hiện của việc sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả, làm gia tăng nợ công. Bởi dòng vốn quay chậm sẽ làm tăng lãi phải trả các khoản vay của Chính phủ.
Nhìn lại thực tế trong nhiều năm qua, rất nhiều các khoản huy động vốn của Chính phủ cho các dự án đầu tư công lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng triển khai dự án rất chậm, tiền huy động được để tài khoản tại ngân hàng, trong khi ngân sách vẫn phải trả lãi đều đặn cho nguồn vốn huy động đó; đồng thời, nguồn vốn ngân sách vẫn thiếu cho các dự án đầu tư khác lại phải huy động và trả lãi.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu một thực tế về giải ngân đầu tư công chậm: Giải ngân vốn đầu tư công chậm không phải là tình trạng của riêng năm nay, mà đã thể hiện từ năm trước. Mặc dù Chính phủ đã sớm đặt yêu cầu thúc đẩy tốc độ giải ngân, song cập nhật đến tháng 10/2017 mới chỉ đạt 72,5% kế hoạch năm, thấp hơn cả cùng kỳ năm ngoái (78,6%).
Xét về khía cạnh vĩ mô, khi nguồn vốn ngân sách ứ đọng tại các NHTM thì điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN sẽ gặp khó khăn hơn, bởi khó có thể tính toán được mức độ tạo tiền từ nguồn vốn này để kiểm soát tốt tổng phương tiện thanh toán, cũng như lãi suất thị trường. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả thực thi CSTT, thì việc chuyển các khoản tiền gửi của ngân sách từ NHTM về tài khoản ngân sách tại NHNN đã được đặt ra, để giúp NHNN kiểm soát tốt dòng tiền, đồng thời giảm được chi phí phát hành tín phiếu để điều tiết dòng tiền.
Như vậy, giải ngân vốn đầu tư chậm, không chỉ liên quan đến tăng trưởng kinh tế, nợ công mà còn các chi phí liên quan khác, làm giãn đoạn dòng chu chuyển vốn xã hội. Đây có thể xem là vấn đề quan trọng cần được giải quyết, nó có ý nghĩa quan trọng hơn là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Chính vì vậy, tại phiên họp thường kỳ cuối tuần qua, Chính phủ đã kết luận: yêu cầu đặt ra là giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017; kiên quyết cắt giảm các công trình giải ngân chậm để bố trí cho các công trình quan trọng, cấp bách khác. Bên cạnh đó, nên chăng Bộ Tài chính cũng nghiên cứu thêm những giải pháp khác để tận dụng những nguồn vốn chưa giải ngân của các dự án, để tránh lãng phí; phối hợp với NHNN để điều tiết nguồn vốn nhàn rỗi này một cách hiệu quả nhất.