Thực phẩm bẩn vẫn tung hoành
Thực phẩm bẩn - ai người vô can? | |
Đấu tranh mạnh với thực phẩm bẩn |
Ngày 4/3/2017, cơ quan công an tỉnh Bình Phước đã bắt quả tang ông Lê Đình Lệ (sinh 1974) và bà Nguyễn Thị Cúc (sinh 1971) đang “biến” những trái hạt tiêu lép thành những hạt tiêu chắc, có màu đen hơn. Ông Lệ và bà Cúc khai nhận đã dùng tinh bột bắp và tinh bột gạo nếp nấu thành hợp chất dẻo.
Sau đó, họ bỏ thêm một loạt hóa chất dạng tinh bột màu đỏ sẫm (không rõ xuất xứ và thành phần) để trộn chung với hạt tiêu lép nhằm tạo ra sản phẩm mới là hạt tiêu chắc, có trọng lượng nặng và màu sắc đen hơn.
Một vụ sử dụng hóa chất nhuộm đỏ con ruốc được ghi lại |
Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ thực phẩm bẩn, pha trộn với hoá chất không rõ nguồn gốc bị phanh phui trong thời gian gần đây. Nào là thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây "tắm" trong hóa chất độc hại…
Chỉ riêng trong năm 2016 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã xử phạt trên 2.000 vụ vi phạm về đo lường và an toàn vệ sinh thực phẩm, phạt hành chính hơn 14,301 tỷ đồng. Điều này cho thấy thực phẩm “bẩn” vẫn… tung hoành.
Có thể ngay lúc này đây, thực phẩm bẩn, mất an toàn vẫn đang hành trình trên các nẻo đường, len lỏi trong các ngõ phố... Những thực phẩm đã bốc mùi được tẩy rửa bằng hoá chất, chế biến ngay trên nền đất, cạnh cống rãnh vẫn xuất hiện đâu đó. Theo một chuyên gia thì vì lợi nhuận nhiều chủ kinh doanh đã sử dụng cả công nghệ sản xuất xà phòng vào chế biến cà phê, nhằm tạo bọt.
Không chỉ cà phê, người ta còn bán cả các loại hương liệu, thí dụ như trà chanh, trà sữa. Chỉ cần mua 100 gram hương liệu là có thể pha ra hàng trăm ly trà chanh, trà sữa thơm ngon, giá lại rẻ… Gần như mọi món ăn phổ biến trên đường phố đều có “phụ gia hỗ trợ chế biến”, như vị phở, vị bún bò, hương mì Quảng, chất nhừ xương…
Bên cạnh đó, còn có một thực tế nữa là hiện nay thực phẩm nhập khẩu được nhập qua hình thức hàng xách tay, sau đó bán hàng thông qua các trang mạng xã hội. Đây là những nguồn thực phẩm rất khó kiểm tra, kiểm soát về chất lượng. Mặt khác, số lượng hàng xách tay đều có số lượng ít dẫn đến việc xử lý gặp khó khăn.
Đáng chú ý là môi trường mạng xã hội thường xuyên xuất hiện thông tin còn rao bán công khai các loại hoá chất để cho vào thực phẩm. Nào là một cây chả phải góp mặt đầy đủ các loại hóa chất, phụ gia chống mốc, chống nhớt, tăng thời gian bảo quản; phụ gia tạo cấu trúc giòn, dai, thay thế hàn the, tăng khả năng giữ nước.
Ngoài ra còn có thêm các loại phụ gia ngăn chả lụa, nem, patê sậm màu khi để ngoài không khí; phụ gia tạo màu tự nhiên, không nhăn… Rồi các loại hương liệu tạo hương thịt heo, hương bò, hương tôm, hương gà, hương patê gan. Đáng lưu ý là chỉ cần đặt hàng, hoá chất sẽ được giao tận nơi mà không cần biết người ta sẽ sử dụng như thế nào, vào đâu?
Anh Nguyễn Văn An (Hà Nội) chia sẻ, thực phẩm bẩn đã là một vấn nạn, thế nhưng đấu tranh phòng chống nó phải xuất phát từ ý thức của mỗi người kinh doanh. Bởi hiện nay, thịt lợn, thịt gà vẫn được chế biến theo phương thức thủ công, vận chuyển bằng xe máy nên không dễ kiểm tra, kiểm soát hết được. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề chuyên kinh doanh thực phẩm như bánh, mứt kẹo... thì lại sản xuất theo thời vụ.
Khi phát hiện, kiểm tra thì người ta đã dừng sản xuất từ lúc nào. Nên quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của những người kinh doanh. Kèm theo đó tất nhiên còn có cả chế tài xử phạt thật cao, thậm chí cấm kinh doanh… Có như vậy thì tình trạng thực phẩm bẩn mới chấm dứt được.
Điều đáng mừng là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi trực tiếp đi kiểm tra tại một số chợ đầu mối tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã lưu ý các hộ kinh doanh phải mua bán các loại rau quả, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho người tiêu dùng. T
hủ tướng cũng nhắn nhủ, bà con buôn bán cần giữ gìn đạo đức kinh doanh, không vì lợi nhuận mà mua bán những loại hoa quả có ngâm tẩm, chứa chất bảo quản độc hại, không rõ nguồn gốc, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và cho chính bản thân. Cùng với đó, các bộ, ngành cũng điều chỉnh theo hướng tăng nặng xử phạt những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm thu giữ và tiêu huỷ ngay tại chỗ nếu các cơ sở vi phạm...
Với sự ra quân đồng bộ và mạnh mẽ, hy vọng không xa người tiêu dùng sẽ được sử dụng những thực phẩm sạch theo đúng nghĩa của nó.