Thực phẩm bẩn - ai người vô can?
Đấu tranh mạnh với thực phẩm bẩn | |
Xây chuỗi liên kết để chống thực phẩm bẩn | |
Lại nóng chuyện vận chuyển thực phẩm bẩn |
Hơn 7 giờ sáng ngày hôm qua, chiếc xe máy chở rau ngồn ngộn đi về hướng nội thành bỗng chòng chành trên mặt đường nhựa khi qua đoạn gần khu đô thị Times City. Người phụ nữ mặc bộ quần áo công nhân, đi đôi ủng cao đến gối như vừa từ ruộng bước lên, cố gắng chống chân giữ thăng bằng một cách khó khăn giữa không gian chật hẹp. Dòng xe bị chặn lại một phía đường. Công an giao thông buộc phải dừng việc chỉ dẫn làn xe để đưa xe rau vào khu vực xử phạt.
Ảnh minh họa |
Buổi chợ muộn của chị hàng rau nói trên khởi động bằng một biên bản xử phạt, buồn cho chị. Nhưng ở thành phố này, hàng nghìn xe rau như vậy đã vào đến nội đô từ tờ mờ sáng một cách “an toàn”. Những mớ rau muống xanh ngằn ngặt nhưng không rõ từ vạt ruộng nào, những củ khoai tây lùi lũi cũng không biết trồng trên đất nào, tất cả lại bình thường lên bàn ăn của mọi tầng lớp thị dân.
Ngày hôm kia, hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ đi thị sát chợ hoa quả Long Biên và cánh đồng rau bên xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội) được bình luận rất nhiều trên các trang mạng. Biểu hiện rõ nhất là sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ đến bữa ăn bình thường của nhân dân. Nhưng nó cũng nói lên rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề đáng chú ý.
Đến nỗi mà, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm vẫn bán công khai ngay cửa hàng đầu làng. Đến mức mà nhiều nhà nông phải trồng riêng vạt rau cho mình, tách biệt với rau đem bán. Đến lúc mà người bán hàng chọn trái chín rụng nhà ăn, còn trái xanh ngâm tẩm hóa chất cho bóng đẹp một cách công khai… Tất cả cho thấy một thị trường thực phẩm rất bát nháo.
Mỗi ngày, thị dân ở nhiều thành phố lớn vẫn đầy hoài nghi ăn miếng thịt lợn luộc không biết còn dư lượng thuốc tăng trọng hay không? Hay đầy hoài nghi gắp đũa rau cải xanh mà không rõ sáng nay có bị phun thuốc sâu? Bên mỗi bàn ăn trong gia đình, người ta buộc phải ăn với niềm tin rất nhạt nhòa với thực phẩm. Thậm chí, nói không ngoa là cảm nhận “lưỡi hái thần chết” có thể đang từ tốn tiến về phía mình từ một góc ruộng, rìa chợ nào đó. Nhưng liệu có ai vô can trong vấn đề này?
Việc buôn bán các loại chất cấm sử dụng trong nông nghiệp công khai như thế, quản lý quy trình sản xuất rau quả… có một phần thuộc trách nhiệm của địa phương và cơ quan chức năng. Nhưng để “lọt lưới” thực phẩm bẩn lên bàn ăn, tất cả đều có trách nhiệm. Tư thương ngâm tẩm hóa chất cho rau quả giữa ban ngày, nông sản lại được vận chuyển đến thẳng các mẹt rau cửa chợ, thực tế việc hình thành cách làm ăn này có trách nhiệm của cả người tiêu dùng.
Nếu người tiêu dùng không tiện đường ghé hàng rau vệ hè mua vội bìa đậu, lạng tôm…; nếu bạn nhất quyết mua hàng ở siêu thị, nơi ít nhiều có khả năng kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, thì kiểu làm ăn không chính quy đó đâu còn đất để tồn tại? Chính người tiêu dùng chúng ta có trách nhiệm để cho thực phẩm bẩn có “đất sống”. Cũng chính chúng ta có trách nhiệm khiến cho rau sạch, thực phẩm hữu cơ không có nổi thị phần đủ để các DN có thể đầu tư, phát triển.
Tất nhiên, không thể lấy cơ nông nghiệp vẫn là sinh kế của nhiều người dân để cho nông sản ngang nhiên “đầu độc”con người. Kiểu như người trồng rau được ăn rau sạch nhưng phải dùng hoa quả bẩn, và ngược lại. Nhưng, chỉ khi nào mà người tiêu dùng tẩy chay thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc, và chỉ khi một thị trường thực phẩm sạch được hình thành thì lớp cha mẹ ở thị thành mới có thể gắp cho con miếng thịt gà mà an tâm về dư lượng kháng sinh không còn trong đó.