Thương mại điện tử Việt Nam: Khi các ông lớn nhập cuộc
Mua hàng trong lòng bàn tay | |
Bán lẻ online: Xu hướng thời công nghệ |
Cuộc CMCN 4.0 đang dần phả hơi nóng hầm hập vào mọi lĩnh vực của đời sống. Hẳn nhiên, mỗi ngành nghề, cách thức nhập cuộc sẽ một khác. Ngành phần mềm sẽ chọn thế giới số/ảo làm điểm xuất phát. Nhưng ngành cơ khí, hay nông nghiệp thì rõ ràng phải chọn đi ra từ thế giới thực. Còn ngành bán lẻ tất nhiên phải kết hợp thực - ảo... Nếu ngành nghề nào cam phận “nhắm mắt đưa chân”, phó mặc tương lai của mình cho thời cuộc thì sẽ lỡ chuyến tàu 4.0 này thôi.
Tập đoàn Amazon đổ bộ vào thị trường Việt Nam |
Cú “ngã ngựa” của Parkson Flemington trên thị trường bán lẻ Việt Nam là một ví dụ, đồng thời nó lại đang mở ra cơ hội cho những ai theo kịp xu thế của thời đại công nghệ. Một điều khá thú vị là, trong khi Parkson ngày càng đuối sức trên thị trường bán lẻ Việt Nam trong nửa thập niên qua, thì Aeon tiếp tục xây trung tâm mua sắm thứ 6 trị giá 180 triệu USD tại Hải Phòng.
Tập đoàn Aeon của Nhật Bản đã thật khó khăn trong việc bắt kịp xu hướng chuyển đổi nhanh chóng của ngành bán lẻ, khi hành vi của chính người tiêu dùng đang thay đổi đến chóng mặt, nhất là việc mở rộng sang mua sắm trực tuyến. Để sống sót trong dài hạn, Aeon đã quyết định chi 4,4 tỷ USD cho thương mại điện tử.
Ông Motoya Okada, Chủ tịch Aeon chia sẻ, "giá thấp" và khả năng "áp đảo các cửa hàng tiện lợi" là lợi thế cạnh tranh quan trọng của bán lẻ trực tuyến. Trên thực tế, công ty còn lên kế hoạch mở rộng các siêu thị và trung tâm mua sắm. Bởi các cửa hàng vật lý vẫn có thể cung cấp trải nghiệm mà khách hàng không thể có được khi mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, các nhà bán lẻ truyền thống có thể học hỏi nhiều từ Amazon.
Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới nối gót Alibaba, Tencent và JD.com là 3 tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc tìm đường tới Việt Nam trong tháng 3 này sau khi chính thức triển khai dịch vụ giao hàng trong ngày Prime Now tại Singapore, mở đầu cho cuộc tấn công vào thị trường Đông Nam Á.
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đã đạt trên 25% và dự báo có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể cũng rất ngoạn mục. Đến năm 2020, mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) sẽ tăng 20%/năm.
Đặc biệt, với nhóm ngành điện máy, dự báo của Euromonitor International, từ năm 2015 đến năm 2020, bán lẻ trực tuyến ngành hàng này sẽ tăng trưởng trên 30% mỗi năm, đạt khoảng 21 nghìn tỷ đồng vào năm 2020 khiến Amazon khó có thể bỏ qua thị trường bán lẻ Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Amazon đang vươn lên trở thành một kênh thương mại điện tử có lượng người tin tưởng mua hàng cao nhất vì nhiều điểm tiện lợi, lại tiết kiệm thời gian.
Không ngại các đối thủ đến trước như Alibaba, JD.com… hay Top 10 doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất, vốn đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt như: Thế giới Di động, Sendo, Tiki, Vật giá, FPT Shop, Điện máy Xanh, Adayroi, Nguyễn Kim, thị trường này rất hấp dẫn Amazon tham gia vì hãng kỳ vọng với nền tảng công nghệ hiện đại của mình sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu.
Cụ thể, Amazon đang phát triển hệ thống máy bay không người lái và ô tô tự lái có khả năng vận chuyển hàng hóa đến tận nhà của khách hàng nên từng tung ra số tiền lớn để thống trị nhiều hơn nữa mảng bán lẻ trực tuyến những nơi công ty đặt chân tới.
Tận dụng triệt để sự phổ biến của các thiết bị di động và những phương án giao hàng hợp lý, Amazon gia nhập thị trường Việt Nam bằng việc khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để hỗ trợ các DNNVV Việt Nam nhằm thỏa mãn nhu cầu cả xuất khẩu hàng hóa qua biên giới cả nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với 40% trong tổng số 92 triệu dân có độ tuổi dưới 25 tuổi; lực lượng lao động trẻ hấp dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tương lai (54 triệu dân đã và đang được đào tạo và có việc làm ổn định). Một cơ hội tuyệt vời khác khi đứng ở góc độ công nghệ, Việt Nam duy trì tỷ lệ sử dụng smartphone ở mức cao, đạt tới 26%.
Thêm nữa, số lượng kỹ sư giỏi tại Việt Nam cũng tăng mạnh mỗi năm với khoảng 40 nghìn sinh viên tốt nghiệp công nghệ thông tin sẽ là khởi đầu tốt cho cuộc “tấn công” của Amazon vào khu vực này.
Với sự xuất hiện của Amazon, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ chứng kiến sự cạnh tranh rất khốc liệt không chỉ về giá, uy tín nhà cung cấp và chất lượng sản phẩm mà là ứng dụng các công nghệ chuyên sâu vào thương mại điện tử. Từ thực tế đó, các công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn sẽ phát triển mạnh và đóng vai trò cốt lõi thay đổi bộ mặt của ngành bán lẻ.