Tiệm cận đa mục tiêu
Để gia tăng sức mạnh của nền kinh tế | |
Kiên định mục tiêu chống đô la hóa | |
Chính sách điều hành tỷ giá: Bước tiến dài trong chống đô la hóa |
Kiểm soát, chứ không triệt tiêu
Chống “đô la hoá”, “vàng hoá” là hai nhiệm vụ quan trọng để giúp ổn định và phát triển nền kinh tế của đất nước. Mục tiêu này được Chính phủ đặt ra từ nhiều năm nay. Trong quá khứ, đã có thời điểm tình trạng đô la hoá khá nhiều khi hơn 40% lượng tiền gửi vào các NH là ngoại tệ.
Thời gian qua với những nỗ lực mạnh mẽ, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp để đẩy lùi tình trạng này. Tiếp nối những thành công bước đầu, mục tiêu đẩy lùi đô la hoá, vàng hoá được tái khẳng định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN hoàn thiện, trình Thủ tướng Đề án chống đô la hoá và vàng hoá, trong đó các giải pháp cần có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Chống đô la hoá, vàng hoá nền kinh tế là mục tiêu lớn của phát triển kinh tế |
Chỉ trong vòng nửa đầu năm 2016, NHNN đã có nhiều giải pháp cụ thể để chống đô la hoá trong nền kinh tế. Như việc hạ lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm, áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm niêm yết theo ngày, siết lại đối tượng cho vay ngoại tệ...
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chính sách chống đô la hoá của nhà điều hành đang đi đúng hướng. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, chống đô la hoá không có nghĩa là triệt tiêu hoàn toàn đồng USD trong nền kinh tế, mà quan trọng là kiểm soát nó ở một giới hạn nhất định. Bởi nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn vay ODA, đặc biệt là dòng kiều hối. Nếu triệt tiêu đô la hóa thì ảnh hưởng đầu tiên là nguồn ngoại tệ sẽ bị giới hạn rất nhiều.
Chưa kể, theo chia sẻ của TS.Vũ Đình Ánh, hàng loạt chính sách kinh tế - tài chính hướng ngoại nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh tuyệt đối cũng như tương đối về các yếu tố sản xuất và thị trường vốn có tác dụng thúc đẩy thương mại và tài chính toàn cầu có thể đảo chiều từ năm 2017. Đó là chuyển trọng tâm vào sử dụng các yếu tố sản xuất và thị trường trong nước. Theo đó, sự luân chuyển hàng hóa dịch vụ và tài chính có xu hướng lui về ẩn nấp sau các đường biên giới quốc gia. Thậm chí phục hồi lại một số rào cản thương mại và tài chính nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Và rõ ràng, Việt Nam sẽ chịu tác động rất mạnh của khả năng đảo chiều này ngay trong năm 2017 khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới khoảng 160% GDP và khu vực FDI đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội… Trong khi nợ nước ngoài của chúng ta hiện đã trên 40% GDP và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đóng vai trò dẫn dắt thị trường tài chính trong nước.
Muốn chống đô la hoá, việc ổn định tiền đồng là vô cùng quan trọng. Nhưng theo một chuyên gia tài chính, sự ổn định này phải đặt trong thực trạng của nền kinh tế. Nếu muốn ổn định mà đẩy lạm phát xuống thấp, giữ VND không có biến động so với những ngoại tệ lớn trên thế giới, đặc biệt là đồng USD thì e rằng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.
Khi xung quanh nhiều đồng tiền phá giá để tăng tính cạnh tranh, nếu chúng ta cố trụ để ổn định tiền đồng mà không chấp nhận sự mất giá, có lẽ cái chúng ta nhận về chỉ lỗ. Xuất khẩu không gia tăng, GDP tăng trưởng chậm… thì cuối cùng mục tiêu ổn định tiền đồng của chúng ta cũng sẽ bị phá vỡ. “Quan trọng cho Chính phủ cũng như NHNN là cân bằng giữa hai mục tiêu ổn định tiền đồng và phát triển kinh tế” - một chuyên gia nhấn mạnh.
“Gọi” vàng cho sản xuất
Với vàng, năm 2016 ghi nhận không ít những thời điểm thị trường vàng thế giới biến động. Song với việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, thị trường vàng trong nước năm 2016 cơ bản ổn định và tự điều tiết tốt. Không chỉ điều tiết tốt, nguồn vốn bằng vàng cũng đang có xu hướng chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã đánh giá diễn biến giá vàng, đô la Mỹ ổn định thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, người dân không còn tích trữ vàng, đô la dịp Tết, mà chỉ mua vàng để lấy may. Các chuyên gia nhận định: Có được sự ổn định thị trường vàng như hiện nay, vai trò của NHNN là rất lớn. Đến nay, phần đông người dân cũng không còn xem vàng là phương tiện thanh toán và kinh doanh nữa, mà chỉ là phương tiện tích luỹ tài sản.
Trong Nghị quyết số 01, đi cùng với chủ trương chống đô la hoá, vàng hoá, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị NHNN nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng và ngoại tệ. Ngay sau đó, Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2017. Trong đó nhấn mạnh việc thực hiện rà soát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 và đề xuất các giải pháp quản lý có hiệu quả thị trường vàng phù hợp với điều kiện thực tế để chuyển hóa nguồn lực vàng, ngoại tệ vào sản xuất kinh doanh.
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được Chính phủ nhắc tới. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nhấn mạnh: Điều cần làm là có cơ chế chính sách để tạo môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện, giá trị và niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố. Qua đó sẽ kích thích nguồn lực vàng và ngoại tệ chuyển động, đi vào sản xuất kinh doanh.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ đưa ra mục tiêu như vậy là điều hợp lý. Vì số lượng vàng nằm trong dân khó có thể định lượng được chính xác, cũng chưa có văn bản nào khẳng định số lượng cụ thể, nhưng chắc chắn là con số không nhỏ. Nếu không sử dụng cho sản xuất kinh doanh sẽ là sự lãng phí lớn. Vấn đề đặt ra là huy động cách nào, để một mặt vẫn đảm bảo chủ trương chống vàng hoá, một mặt khác vẫn thoả đáng với những điều kiện thị trường.
Chuyên gia này cũng đồng tình với đề xuất, số vàng cần phải được NHNN hoặc một cơ quan chủ quản đứng ra huy động, phát hành chứng chỉ vàng cho người dân. Theo đó chứng chỉ vàng ít nhất phải hội tụ đủ hai điều kiện. Thứ nhất, có tính thanh khoản, như được Chính phủ hoặc NHNN bảo lãnh như đối với chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu Chính phủ. Thứ hai, chứng chỉ vàng phải có lãi suất thích hợp.
Đồng thời với việc huy động vàng qua chứng chỉ, nhiều chuyên gia cũng đề xuất nên lập sàn vàng quốc gia. Ở đó, những thông tin về vàng thế giới cũng như trong nước được thể hiện minh bạch, cập nhật. Người dân có thể nắm bắt được giá vàng lên xuống ra sao, tránh những trường hợp có những tin đồn đẩy giá vàng lên hoặc xuống quá mức.
Một điểm nữa cũng được chuyên gia này chia sẻ, là khi thị trường vàng tương đối ổn định có thể xem xét cho phép một số nhà kinh doanh vàng có uy tín, có năng lực tài chính nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, để hiện thực hoá mục tiêu, cần có mô hình, quy trình, quy chế rõ ràng. Quan trọng là phải đặc biệt quan tâm tới lợi ích dân chúng, tạo sự tin tưởng của người dân.