Chống đô la hóa, hạn chế nhập khẩu
Hạn chế tình trạng đô la hóa, nâng cao vị thế VND | |
Tiệm cận đa mục tiêu | |
Để gia tăng sức mạnh của nền kinh tế |
Cũng là dễ hiểu bởi việc được vay ngoại tệ với lãi suất thấp trong bối cảnh thị trường ngoại hối ổn định sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết giảm được khá nhiều chi phí vốn để từ đó hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ảnh minh họa |
Bởi vậy, không ít doanh nghiệp chế biến xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu trong nước tỏ ra hết sức vui mừng khi tại Dự thảo Thông tư, NHNN đã dỡ bỏ quy định về thời hạn đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu. Trước đó, hoạt động cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu này chỉ được NHNN gia hạn từng lần, mỗi lần gia hạn tối đa chỉ 1 năm.
Theo góc nhìn của người viết, việc dỡ bỏ quy định này là hoàn toàn hợp lý, bởi việc cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu này hoàn toàn không trái với chủ trương hạn chế đôla hóa của Chính phủ và NHNN do yêu cầu khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay khiến cho ngoại tệ không được đưa vào lưu thông mà quay trở lại ngay hệ thống ngân hàng, nên không tạo ra bất kỳ hiện tượng đôla hóa nào. Trong khi việc cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu này sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao.
Việc làm này cũng tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu trong nước với nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thậm chí xét ở một góc độ nào đó, nó còn có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu trong nước thay vì nhập khẩu để tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng giá trị trong nước của hàng xuất khẩu.
Nhìn ở giác độ này thì việc dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước kể từ ngày 1/4/2019 cũng là cần thiết. NHNN Việt Nam cho biết, qua theo dõi số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018 cho thấy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây chủ yếu do thị trường ngoại hối ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi do lãi suất vay ngoại tệ (USD) thấp hơn tương đối so với lãi suất vay VND. Vì vậy tín dụng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần, tránh gây áp lực lên thị trường ngoại tệ khi các khoản vay đáo hạn, khách hàng vay phải mua ngoại tệ để trả nợ.
Bên cạnh lý do này, hiện chủ trương của Chính phủ cũng không khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, đặc biệt là với những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ. Bởi vậy chính sách tín dụng ngoại tệ cũng cần hướng tới mục tiêu này nhằm hạn chế nhập khẩu, nhập siêu để cải thiện cán cân thương mại, cải thiện cán cân thanh toán quốc gia. Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ là vô lý nếu một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu trong nước không được vay ngoại tệ, trong khi một doanh nghiệp nhập khẩu nông sản thực phẩm từ nước ngoài về cạnh tranh với nông sản trong nước lại được vay ngoại tệ.
Còn nhớ thời điểm năm 2012, NHNN cũng đã từng có văn bản yêu cầu các ngân hàng kiểm soát việc cấp tín dụng bằng ngoại tệ, trong đó hạn chế cho vay ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ, không cần thiết - một biện pháp nhằm kiểm soát tình hình nhập siêu của Việt Nam thời gian đó.
Mặc dù hiện cán cân thương mại vẫn đang thặng dư ở mức khá lớn, song việc hạn chế, tiến tới chấm dứt cấp tín dụng ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ là điều nên làm.