Tiếp tục khơi thông dòng vốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Hỗ trợ DN vùng kinh tế Bắc bộ phát triển bền vững | |
Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ |
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị |
Ngân hàng tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến ngày 4/10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95%. Riêng tại vùng KTTĐ Bắc Bộ, tín dụng những năm qua liên tục tăng và đến cuối tháng 9/2019 đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,98% và chiếm khoảng 33,1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong đó, dư nợ đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 35%; dư nợ đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm 61%.
"Cơ cấu dư nợ trên là phù hợp với định hướng phát triển của khu vực, góp phần phát triển ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Đây đều là các ngành trụ cột tăng trưởng và có mức tăng cao trong cơ cấu kinh tế của vùng", ông Hùng đánh giá.
Chia sẻ tại hội nghị, Giám đốc Công ty cổ phần Phương Trung - ông Lưu Quang Trung cho biết, hiện công ty chủ yếu vay vốn tại BIDV chi nhánh Hải Phòng vì cơ chế khá thông thoáng với những doanh nghiệp sản xuất có quy mô vừa, cả về điều kiện tài sản đảm bảo lẫn cơ chế lãi suất.
“Công ty chúng tôi được tiếp cận gần hơn với vốn vay ngắn hạn, trung dài hạn của ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập được cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị sản xuất hiện đại với thời gian và lãi suất phù hợp. Chính ngân hàng là nơi giúp cho doanh nghiệp hiểu biết thêm về kiến thức tài chính, tư vấn chính xác trong nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa… góp phần không nhỏ giúp công ty giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập," ông Trung chia sẻ thêm về hỗ trợ từ phía ngân hàng.
Là một tỉnh có tới gần 14.000 doanh nghiệp, trong đó có đến 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp tại đây đã được ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương thì vẫn còn có khách hàng, trong đó có các doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. Nguyên do là các ngân hàng thường yêu cầu về tài sản đảm bảo. Đây là một trong những rào cản đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức.
Tuy cơ chế cho phép doanh nghiệp có thể vay có tài sản bảo đảm hoặc tín chấp không cần tài sản nhưng theo ông Đoan, trên thực tế các doanh nghiệp khi muốn vay vốn từ ngân hàng hay các quỹ hỗ trợ tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh thường phải có tài sản thế chấp.
Phân tích về vướng mắc xung quanh tài sản bảo đảm, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, bất cập đối với vấn đề về tài sản bảo đảm chủ yếu do chi phí cấp giấy phép quyền sử dụng và quyền sở hữu quá lớn, thủ tục hành chính rườm rà. Hơn nữa, khi doanh nghiệp xảy ra rủi ro, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm để các ngân hàng thu hồi vốn còn nhiều bước, khó khăn và thời gian xử lý kéo dài.
Ngoài lý do trên, số liệu báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu minh bạch, chưa theo kịp các chuẩn mực kế toán đang là rào cản lớn khi tiếp cận vốn từ ngân hàng, trong khi các quy định về cho vay ngày càng chặt chẽ, chuẩn mực quản trị rủi ro cũng tăng.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Du thuyền Genesis Việt Nam ông Bùi Văn Thiên chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận vốn ngân hàng: Một trong những yếu tố quan trọng để tiếp cận vốn đặc biệt với vốn tín chấp ngân hàng là phương án kinh doanh của doanh nghiệp phải hiệu quả, đem lại lợi nhuận và đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực tài chính hiện tại, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và dòng tiền trong tương lai.
Đồng tình quan điểm, đại diện Công ty Việt Phát cũng cho rằng, ngân hàng phải huy động vốn từ các tổ chức kinh tế, người dân, nên việc cho vay ra cần phải được tính toán hết sức cẩn trọng. Đa phần đại diện các doanh nghiệp cũng đều đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của ngân hàng đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng phản ánh về việc một số thủ tục cho vay còn phức tạp đặc biệt liên quan đến các hồ sơ chứng từ điện tử, lãi suất một số dự án còn tương đối cao và bày tỏ kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm, thông thoáng hơn về vấn đề tài sản bảo đảm.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng đồng chủ trì Hội nghị |
Điều hành lãi suất, tỷ giá ổn định hỗ trợ doanh nghiệp
Để các doanh nghiệp hiểu hơn về công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian qua, NHNN theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt, cố gắng điều hành lãi suất ổn định theo xu hướng giảm dần khi điều kiện vĩ mô và các chỉ số cho phép. Mới đây nhất, ngày 16/9/2019, NHNN đã giảm lãi suất điều hành 0,25%/năm, điều chỉnh chính sách này tác động tích cực, tạo hiệu ứng để các NHTM có động thái giảm lãi suất giảm cho doanh nghiệp.
"Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục ổn định lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn vốn. Chính sách tỷ giá sẽ được điều hành ổn định, tạo điều kiện cho cả xuất khẩu và nhập khẩu, phù hợp cung cầu ngoại tệ thị trường, đảm bảo quyền lợi cho xuất khẩu và nhập khẩu, đảm bảo chỉ số vĩ mô, đảm bảo trả nợ. Việc ổn định tỷ giá giúp doanh nghiệp yên tâm, không kì vọng vào câu chuyện lạm phát hay phá giá đồng tiền để các doanh nghiệp tập trung sản xuất, tránh câu chuyện đầu tư ngoại tệ", Phó Thống đốc nhấn mạnh và cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tài chính của doanh nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng.
Lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các NHTM chủ động cân đối khả năng tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, giảm các mức phí dịch vụ nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng trong tiếp cận vốn vay và các dịch vụ ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng; luôn bám sát thực trạng, tiềm năng của doanh nghiệp để mạnh dạn xem xét cho vay, nhất là cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật.
Các ngân hàng cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư và phát triển, đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số, giúp gia tăng tiện ích và tạo thuận lợi cho khách hàng, vừa tăng cạnh tranh cho chính các ngân hàng.
“Ngân hàng tiếp tục xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp khi gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, chưa thể trả được nợ đúng hạn theo quy định”, Phó Thống đốc đề nghị.
Đối với những kiến nghị liên quan đến việc mở rộng chương trình xúc tiến thương mại theo khối ngành nghề, xây dựng hệ thống tra cứu, tìm kiếm các đối tác trong nước và nước ngoài, hệ thống thông tin về thanh toán xuất nhập khẩu, thuế, quy hoạch, định hướng các ngành theo từng địa bàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về bàn giao mặt bằng, cấp các thủ tục về xây dựng… cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng để hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả, qua đó giúp nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.