Tiêu chí nông thôn mới cần phù hợp hơn: Những bất cập từ quy định cào bằng
LTS: Trong các tháng cuối năm 2016 Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020. Trong đó, riêng với khu vực ĐBSCL các tiêu chí NTM cần gắn với điều kiện thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Loạt bài viết này, phóng viên Thời báo Ngân hàng phản ánh một số khía cạnh liên quan đến chương trình xây dựng NTM ở khu vực ĐBSCL. Từ đó gợi mở một số phân tích, đóng góp cho việc sửa đổi các tiêu chí xây dựng NTM ở khu vực các tỉnh Tây Nam bộ trong thời gian tới.
Cần linh hoạt trong việc ban hành tiêu chí về cơ sở hạ tầng nhất là với các vùng đặc thù, khó khăn |
Có thể nói ngay rằng, sau gần 7 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM (2010-2016), bộ mặt nông thôn khu vực ĐBSCL đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
Tính đến cuối năm 2015 toàn vùng đã có hơn 430 xã đạt được các tiêu chí về giao thông với trên 18.500 km đường nông thôn được cứng hóa; khoảng trên 3.000 nhà văn hóa xã, 300 chợ nông thôn được đầu tư xây mới và mở rộng.
Các tiêu chí về thủy lợi, lưới điện, nước sạch, trạm y tế và trường học cũng được các địa phương thực hiện khá tích cực, góp phần làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh; thu nhập bình quân ở vùng nông thôn đạt mức 27,8 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2015, số hộ nghèo giảm xuống còn 4,8% so với mức 9,13% vào thời điểm 2011.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chương trình xây dựng NTM ở khu vực ĐBSCL cũng vấp phải hàng loạt những khó khăn. Nhiều địa phương vì để hoàn thành các chỉ tiêu NTM đã rơi vào cảnh nợ nần. Nhiều xã sau khi hoàn thành các tiêu chí NTM không còn khả năng giữ vững thành quả. Trong khi đó, cuộc sống của một bộ phận người dân trở nên khó khăn hơn so với trước khi địa phương xây dựng NTM.
Nặng gánh với các tiêu chí hạ tầng
Trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM được Chính phủ ban hành thì các tiêu chí về xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội (bao gồm: giao thông, thủy lợi, xây dựng nhà văn hóa, chợ nông thôn…) được xem là những tiêu chí khó thực hiện nhất đối với các xã ở khu vực ĐBSCL.
Một cách dễ hiểu có thể giải thích rằng, so với các khu vực kinh tế khác thì các địa phương ở khu vực ĐBSCL nói chung có nền địa chất yếu, hệ thống kênh ngòi chằng chịt, quy mô xã rộng và dân cư khá thưa thớt. Chính các đặc điểm này làm cho việc đầu tư xây dựng các tuyến đường cấp xã, các cây cầu nông thôn nối liền các xã, các ấp tốn kém gấp nhiều lần so với các nơi khác.
Những thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong giai đoạn 2012-2020, chỉ tính riêng nhu cầu đầu tư cho hệ thống thủy lợi nội vùng ĐBSCL ước phải có khoảng trên 520.960 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê của các địa phương suốt trong 4 năm giai đoạn 2012-2015, toàn vùng ĐBSCL chỉ huy động được khoảng 6.700 tỷ đồng phục vụ cho việc xây dựng các dự án thủy lợi theo chương trình xây dựng NTM. Hầu hết nguồn vốn được lấy từ ngân sách chương trình NTM hay vốn vay tín dụng.
Do thiếu vốn để thực hiện các tiêu chí về đường giao thông, đầu tư hệ thống thủy lợi và các công trình công cộng, tỷ lệ các xã đạt các tiêu chí về lĩnh vực hạ tầng ở khu vực ĐBSCL đạt rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước (đến cuối 2015 số xã đạt tiêu chí về giao thông chỉ khoảng 10,5%, tiêu chí nước sạch là 10,6%, cơ sở vật chất văn hóa 5,9%, chỉ bằng 50-60% so với cả nước).
Nhiều địa phương (chẳng hạn như huyện Phụng Hiệp - Hậu Giang; huyện Phước Long - Bạc Liêu) phải tạm ứng tiền ngân sách để chi trả cho các nhà thầu hoặc nợ lại tiền giải phóng mặt bằng của người dân. Thậm chí một số nơi vì chạy theo thành tích NTM đã vi phạm các nguyên tắc về quản lý ngân sách, gây nợ đọng hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều chỉ tiêu nặng về hình thức
Bên cạnh những bất cập về các tiêu chí giao thông, thủy lợi; các tiêu chí về chợ nông thôn, nhà văn hóa cũng như các tiêu chí môi trường cũng được xem là không phù hợp với khu vực ĐBSCL.
Quan sát thực tế ở nhiều tỉnh, thành khu vực này cho thấy, việc quy định mỗi xã phải xây dựng một chợ nông thôn đạt chuẩn là không cần thiết. Lý do là vì hầu hết các xã lân cận nhau có đặc điểm sản xuất và sản phẩm nông sản khá tương đồng. Việc buôn bán, giao thương thực tế chỉ cần một chợ lớn được đầu tư kinh doanh bài bản là vài xã có thể cùng sử dụng, không nhất thiết mỗi xã phải đầu tư vốn lớn để xây chợ, sau đó không kêu gọi được DN, tiểu thương đến buôn bán.
Các chợ xây dựng “đua” theo NTM như chợ trung tâm xã Long Hưng, chợ trung tâm xã Mỹ Thuận (các xã NTM đầu tiên của huyện Mỹ Tú - Sóc Trăng); chợ Tư Sáng (xã Tân Tiến, TP. Vị Thanh - Hậu Giang); chợ bách hóa Lai Vung (Đồng Tháp); chợ Long Hòa (Bình Đại - Bến Tre)… sau khi đầu tư xong phải “bỏ hoang” nhiều tháng là những ví dụ cụ thể về việc lãng phí này.
Các tiêu chí về nhà văn hóa xã cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ở các khu vực như huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh), huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng)… không quá khó khăn để tìm thấy hàng chục các nhà văn hóa xã sau khi bỏ tiền tỷ xây dựng rồi “đóng cửa bỏ đó” nhiều năm, hoặc trở thành những khu vực lưu trữ văn thư, ít khi có người dân sinh hoạt.
Ngoài ra, các tiêu chí về đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường cũng là những tiêu chí khó thực hiện. Tại các huyện thuộc các khu vực cù lao, ven biển như Bình Đại (Bến Tre), Tân Phú Đông (Tiền Giang), Trần Đề (Sóc Trăng)… do ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng thiếu nước ngọt, nước sạch diễn ra triền miên. Các xã không thể đảm bảo được tỷ lệ người dân dùng nước sạch đạt 90% như quy định của Bộ tiêu chí NTM.
Bên cạnh đó, hầu hết các xã ở khu vực ĐBSCL có quy mô diện tích khá rộng, việc quy hoạch các khu nghĩa trang, khu thu gom rác thải tập trung là hết sức khó khăn. Nhiều địa phương thuộc Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu tỷ lệ các xã đạt các tiêu chí về môi trường chỉ chiếm dưới 20%.