Tìm cửa rộng hơn vào thị trường thực phẩm Hàn Quốc
Hàng nông sản Việt Nam: Rộng cửa xuất khẩu sang Hàn Quốc | |
FTA Việt Nam – Hàn Quốc: Tăng tính chủ động trong hội nhập |
Cơ hội lớn nhưng khai thác không dễ
Đại diện của 12 nhà nhập khẩu thực phẩm đến từ Hàn Quốc đã tham dự chương trình giao thương do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc tổ chức mới đây.
Trong số này có sự góp mặt của các tập đoàn lớn như CJ, Pulmoune, Gold Plate, Amoje… Sự hiện diện của những nhà nhập khẩu lớn đến từ quốc gia này cho thấy Hàn Quốc đang coi Việt Nam là thị trường tiềm năng để tìm kiếm nguồn thực phẩm chất lượng.
Nông sản Việt Nam phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Hàn Quốc |
Ông Kim Young Sun, Tổng thư ký Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc đánh giá cao sự phát triển thương mại song phương giữa hai nước, đồng thời cho biết, trong số các nước thành viên ASEAN, Việt Nam hiện là đối tác thương mại đứng thứ hai của Hàn Quốc chỉ sau Singapore.
Vì vậy các DN Hàn Quốc rất hy vọng chương trình sẽ tạo nền tảng để DN thực phẩm Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa sức cạnh tranh trên thị trường thông qua hợp tác song phương.
Cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan từ ngày 20/12/2015. Tuy nhiên việc giảm thuế không đơn giản mà sẽ có lộ trình từng bước.
Đơn cử như mặt hàng tôm hiện đang được xuất khẩu khá mạnh vào thị trường Hàn Quốc. Khi hiệp định có hiệu lực, Hàn Quốc xóa bỏ thuế cho tôm nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng chỉ áp dụng trong hạn ngạch. Trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, mức hạn ngạch được áp dụng là 10.000 tấn/năm, tăng thêm 10% qua mỗi năm và lên mức 15.000 tấn/năm vào năm thứ 6, sau đó giữ ở mức này.
Ngoài ra, đối với nhiều mặt hàng như rau quả, tỏi, gừng, mật ong... Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên mà Hàn Quốc cam kết cắt giảm thuế, nhưng với lộ trình cắt giảm kéo dài từ 10-15 năm. Chẳng hạn Hàn Quốc cam kết đưa thuế suất tỏi từ 360% hiện nay xuống còn 0% trong 10 năm, theo đó thuế suất trong những năm đầu vẫn cao.
Đồng thời, để nông sản nhập khẩu đạt được tiêu chuẩn, cũng như trải qua quá trình kiểm tra đánh giá chất lượng của Hàn Quốc, sẽ phải mất nhiều năm. Tương tự như vậy, trái cây cũng là mặt hàng được đánh giá nhiều tiềm năng bởi phù hợp khẩu vị của người tiêu dùng Hàn Quốc.
Song đây cũng là sản phẩm hay vướng phải biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật. Do đó, phần lớn nông thuỷ sản của Việt Nam sẽ khó gia tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu vào Hàn Quốc ngay lập tức nếu chỉ đi theo đường thẳng như truyền thống.
Tìm đường hợp tác
Đó cũng chính là lý do đưa các nhà nhập khẩu thực phẩm từ Hàn Quốc tìm đến Việt Nam. Ông Kim Nam Hyong, Tập đoàn Amoje cho biết, chuỗi cung ứng thực phẩm của Hàn Quốc gồm rất nhiều khâu.
Từ trang trại, sản phẩm đi qua hiệp hội nông nghiệp rồi đến thị trường bán lẻ, hoặc qua nhiều khâu trung gian, từ người bán sỉ đến nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 và nhà phân phối… Trong quá trình đó giá sản phẩm tăng dần tương ứng qua các khâu, khiến cho thành phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng bị đội lên rất nhiều.
Dẫn ra một số sản phẩm nông nghiệp chủ yếu như khoai tây, hành, cải thảo, củ cải… đại diện của Tập đoàn Amoje cho biết, với những sản phẩm này, mức lợi nhuận của bên lưu thông ở giữa rất lớn, khoảng 6-8%, cá biệt như hành tỏi chiếm tới 51,3%... Với cơ cấu phân phối phức tạp như vậy, giá bị đẩy lên cao và người tiêu dùng lại là người chịu thiệt.
Do đó giải pháp mà các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đặt ra lúc này là không thể tiếp tục thu mua riêng lẻ, mà hợp lực lại theo hiệp hội, tổ chức chung để tự tìm nguồn cung. “Việc chủ động thu gọn hệ thống phân phối sẽ làm giảm các bước trong quy trình và hạ được giá thành, có lợi cho chính chúng tôi trước”, ông Kim Nam Hyong cho biết thêm.
Ông Woo Deok Kwan, Tập đoàn CJ cũng bày tỏ rất tin tưởng vào tiềm năng khai thác được từ thị trường thực phẩm Việt Nam. Ông cho biết, trong lĩnh vực này Tập đoàn CJ hiện đã kết nối tại 13 quốc gia, với 65 DN các loại. Tập đoàn này đánh giá, ở châu Á, Việt Nam và Philippines là 2 thị trường vượt trội nhất về tiềm năng giao thương và ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Ông cũng chia sẻ, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc hiện đã đạt mức khá cao, xấp xỉ 30.000 USD/người, vì vậy người tiêu dùng hiện nay đặc biệt quan tâm nhiều tới sản phẩm có lợi cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, xu hướng thị trường là gia đình đơn lẻ nhiều, vì vậy thường lựa chọn đồ ăn đóng gói mà bản thân họ có thể dễ dàng thực hiện thao tác nấu nướng tại nhà một cách đơn giản, gọn nhẹ.
Bà Ra Joo Hee, đến từ Tập đoàn Pulmuone cho biết, DN này đã có hợp đồng thu mua nông sản tại Việt Nam và thu được nhiều lợi ích. Cụ thể là năm 2015, Pulmuone bắt đầu nhập khẩu cà rốt tươi từ Việt Nam, giúp DN giảm tới 20% giá thành sản phẩm. Từ đó tới nay, DN này vẫn đang tiếp tục mở rộng tìm kiếm nguồn cung thích hợp để tạo cơ hội cho đôi bên cùng có lợi.
Bà gợi ý, hoa quả nhiệt đới đang nổi lên trong top 5 sản phẩm bán chạy nhất tại Hàn Quốc hiện nay. Cụ thể đó là các loại quả như chôm chôm, chanh leo, vải, xoài… Các nhà nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng hoa quả nhiệt đới có thị trường tiêu thụ tăng trưởng rất nhanh.
Hiện nay ở các siêu thị lớn của Hàn Quốc, hoa quả nhiệt đới được bày bán nhiều, tuy nhiên tìm mua khá khó khăn do nguồn cung chưa lớn. Vì vậy, vị này đưa ra lời khuyên các nhà sản xuất Việt Nam nên tập trung vào mảng hoa quả nhiệt đới. Đồng thời để đưa sản phẩm vào Hàn Quốc, cũng cần chú ý tới bao bì, đóng gói, hình thức bên ngoài của sản phẩm.