Tín hiệu tích cực từ thị trường
Tìm hướng phát triển thị trường VLXD | |
Chỉ là góc nhỏ không “bao trùm” cả thị trường |
Thị trường BĐS ổn định khi có sự cân bằng giữa cung - cầu. Khi có nhu cầu lớn thì nguồn cung sẽ tăng cao để đáp ứng và tạo điều kiện cho thị trường phát triển tốt. Việt Nam có quy mô dân số khoảng 96 triệu dân, trong thời gian tới sẽ tăng lên mức 120 triệu dân và sẽ ổn định (là nước đông dân thứ 13 thế giới) và có tốc độ đô thị hóa khá nhanh.
Thị trường BĐS Việt Nam ổn định thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước |
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam ở mức 21,7% vào năm 1999 và tăng lên 35,7% năm 2017 (bình quân tăng khoảng 0,8 điểm %/năm). Tỷ lệ tăng dân số đô thị trung bình hàng năm từ 2 - 3,4%.
Đây là nguồn cầu về nhà ở rất lớn cho thị trường BĐS nên các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp rất cần chú ý, ông Nam cho biết.
Bên cạnh đó, một điều đáng quan tâm là ở Việt Nam các hộ gia đình có xu hướng ngày càng chia nhỏ. Đầu năm 2018, Việt Nam có khoảng 25,5 triệu hộ gia đình (trong thời kỳ 2009 - 2017, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm về số hộ là 1,5%/năm), trong đó quy mô gia đình nhỏ (có 2 - 4 người) là phổ biến nhất (chiếm gần 65%). Số hộ độc thân chiếm tỷ trọng nhỏ (8%) nhưng đang có xu thế gia tăng, đây là yếu tố quan trọng trong việc định hướng lại sản phẩm BĐS. Đặc biệt là nhu cầu của các căn hộ nhỏ để đáp ứng sự thay đổi của quy mô hộ gia đình.
Về chất lượng nhà ở, 46,6% hộ sống trong nhà kiên cố, 43,7% hộ sống trong nhà bán kiên cố, 5,9% hộ có nhà thiếu kiên cố và 3,7% hộ có nhà đơn sơ. Diện tích ở bình quân đầu người của cả nước đến tháng 6/2018 là khoảng 23,7m2/người.
Với quy mô dân số lớn, nhưng điều đáng mừng là khả năng thanh khoản đối với các sản phẩm BĐS của người dân đang ở mức khả quan. Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối "Đổi mới", nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển rất đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng GDP khá cao và ổn định với trung bình trên 7%/năm trong nhiều năm qua. Tầng lớp người giàu và trung lưu liên tục có những tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu mua các BĐS chất lượng cao.
Thị trường BĐS Việt Nam tuy còn khá trẻ nhưng đã có bước phát triển tích cực, làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao mức sống của nhân dân. Riêng lĩnh vực nhà ở, trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến nay, mỗi năm Việt Nam đã phát triển mới được trung bình khoảng hơn 70 triệu m2 sàn nhà ở. Đến nay, cả nước ước tính có khoảng 2,1 tỷ m2 nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 9,7 m2/người năm 1999 lên 23,7 m2 vào tháng 6/2018. Nhìn chung, thị trường BĐS đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất thiết yếu của người dân, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị hình thành nếp sống văn minh hiện đại. Bên cạnh đó, cũng góp phần kích thích sự phát triển của các ngành kinh tế khác phát triển.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội đánh giá, thị trường BĐS tại Hà Nội và TP. HCM có sự phát triển bền vững với tốc độ ổn định. Các dự án vẫn tiếp tục được đầu tư mạnh và liên tục cung cấp ra thị trường. Chỉ tính riêng trong quý III/2018, 2 địa phương này đã đưa vào thị trường đạt khoảng trên 20 nghìn sản phẩm mới với cơ cấu hợp lý.
Giao dịch thành công đạt gần 13 nghìn sản phẩm, nâng tỷ lệ hấp thụ đạt 63,5% (mặc dù trong quý có tháng Ngâu và mùa khai giảng). Con số này tăng gấp rưỡi so với lượng giao dịch của năm 2014, chứng tỏ người mua nhà phần lớn từ nhu cầu thực và không có biểu hiện của thị trường ảo hoặc bong bóng BĐS, bà Hằng cho biết thêm.
Đáng chú ý, mặc dù giao dịch tăng trưởng mạnh nhưng giá cả luôn được giữ ở mức ổn định, chứng tỏ cung cầu cân đối. Có được thành tựu này chính là do sự điều hành tốt của các cơ quan chức năng, cơ cầu sản phẩm phù hợp của doanh nghiệp và sự hiểu biết của người dân. Bên cạnh thị trường nhà ở, đối với thị trường BĐS nghỉ dưỡng, nhu cầu hiện nay là rất lớn, khả năng thanh khoản tốt. Tuy nhiên, gần đây đang có sự chững lại nhất định do các vấn đề về pháp lý.
Thời gian tới, sẽ có sự tăng trưởng mạnh của du lịch, kéo theo nhu cầu về cơ sở lưu trú phục vụ du lịch, cùng với đó là các tín hiệu tích cực khi Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan (Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch…) khẩn trương xây dựng ban hành theo thẩm quyền các văn bản: Về quy chuẩn tiêu chuẩn, quy chế quản lý vận hành, quy định chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu.
Như vậy, loại hình BĐS nghỉ dưỡng đã chính thức được thừa nhận và bước đầu được thể chế hóa và phân khúc này chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng tích cực.
Đối với phân khúc nhà ở xã hội, trong thời gian qua có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn tập trung đầu tư vào nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá cả phải chăng như: Dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City của Viglacera và Handico với số lượng căn hộ là 1.588; dự án nhà ở thương mại giá phải chăng VinCity của Tập đoàn VinGroup (khoảng 700 triệu đồng/căn) được triển khai tại Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh.
"Đây là phân khúc có nhu cầu thực rất lớn mà hiện nay thị trường vẫn chưa đáp ứng được, đồng thời dòng sản phẩm này có tính thanh khoản lại rất tốt. Các dự án nhà ở xã hội còn được nhận nhiều sự hỗ trợ từ nhà nước và chính quyền địa phương. Đây cũng có thể là một hướng tốt để các nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, liên kết hoặc đầu tư phát triển dự án độc lập", ông Nguyễn Trần Nam nhận định.